Cải tổ ngân hàng-Bước đi sống còn (kỳ 2)

Đạo luật Dodd-Frank

 Đạo luật Dodd-Frank

Ngày 21-7-2010, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký thông qua Đạo luật Cải tổ Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng Dodd-Frank, gọi tắt là Đạo luật Dodd-Frank. Sự kiện này đánh dấu bước cải cách thị trường tài chính sâu rộng nhất tại Hoa Kỳ kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, làm trỗi dậy hy vọng về một Phố Wall được kiểm soát tốt hơn, người tiêu dùng được bảo vệ chặt chẽ hơn.

> Cải tổ ngân hàng - Bước đi sống còn (kỳ 1)

Hướng tới sự bền vững

Giới chuyên môn cho rằng chính sự tham lam của Phố Wall, được hỗ trợ bởi cơ chế thị trường tự do, thiếu giám sát của Chính phủ Hoa Kỳ, là nguyên nhân chính dẫn đến cơn “bão” tài chính 2007-2008. Vì vậy, sức ép đòi cải tổ hệ thống ngày càng lớn.

Vào tháng 9-2009, Tổng thống Obama lần đầu tiên giới thiệu đề xuất dự luật Dodd-Frank, mà ông tin sẽ là “một sự chuyển đổi quy mô lớn chưa từng có kể từ đại suy thoái đối với hệ thống tài chính Hoa Kỳ”.

Đạo luật Dodd-Frank được đặt theo tên 2 tác giả chính là Thượng nghị sĩ Christopher Dodd và đại biểu Quốc hội Barney Frank, phân thành 60 Điều, với mục tiêu: “Thúc đẩy ổn định tài chính của Hoa Kỳ bằng việc cải thiện trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong hệ thống tài chính; chấm dứt thực trạng "too big to fail" (các định chế lớn không thể để sụp đổ)…”.

Tổng thống Obama ký thông qua Đạo luật Dodd-Frank ngày 21-7-2010.

Tổng thống Obama ký thông qua Đạo luật Dodd-Frank ngày 21-7-2010.

Đạo luật đã đề cập và điều chỉnh hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính Hoa Kỳ, bao gồm cấu trúc hệ thống giám sát, mối quan hệ của các cơ quan giám sát, các trung gian tài chính, sản phẩm dịch vụ và bảo vệ người gửi tiền, người sử dụng dịch vụ… với các nội dung đáng chú ý như: thành lập mới Văn phòng Bảo vệ tài chính tiêu dùng (CFPB) và tăng cường vai trò của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC) nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng/người gửi tiền; thành lập Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) nhằm tăng cường giám sát và giải quyết vấn đề rủi ro hệ thống đối với khu vực tài chính-ngân hàng; quy định các ngân hàng lớn phải rút dần vốn ra khỏi các quỹ đầu cơ, quỹ tư nhân và chỉ được nắm giữ tối đa 3% số cổ phiếu của các quỹ này; đặt ra các giới hạn đối với thị trường phái sinh, yêu cầu các ngân hàng tái cơ cấu theo hướng giảm bớt các ngân hàng quá lớn…

Đáng chú ý còn có Quy tắc Volcker, mục 619 của Đạo luật Dodd-Frank, được đề xuất đầu tiên bởi cựu Chủ tịch FED Paul Volcker, nhằm hạn chế các ngân hàng đầu cơ vào một số lĩnh vực nhiều rủi ro không có lợi cho khách hàng. Quy tắc này thường được biết đến như lệnh cấm các ngân hàng thương mại tự doanh, và giới hạn các ngân hàng đầu tư vào các tài sản tư nhân và quỹ đầu tư ở mức 3%.

Theo đánh giá của Standard & Poor’s, Quy tắc Volcker có thể khiến lợi nhuận của các ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ trong năm nay giảm tới 10 tỷ USD, gấp đôi ước tính trước đó.

Tác động

Những người ủng hộ tin rằng thông qua việc triển khai các tiêu chuẩn an toàn chặt chẽ hơn, như các yêu cầu về vốn, chất lượng tín dụng, tỷ lệ đòn bẩy, thanh khoản và quản trị ngân hàng… Đạo luật sẽ gia tăng lòng tin của người tiêu dùng, ngăn ngừa hoảng loạn, duy trì sự phát triển bền vững của hoạt động tài chính ngân hàng.

Theo Tổng thống Obama, Đạo luật sẽ gia tăng trách nhiệm của các định chế tài chính, nhưng không làm tê liệt thị trường tự do, tác động tích cực đối với nền kinh tế và giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chấm dứt việc dùng tiền nộp thuế của người dân để tung ra các gói cứu trợ. Tổ chức người tiêu dùng cho rằng, Đạo luật này có thể bảo hộ người tiêu dùng tránh được các vụ lừa đảo khi vay tín dụng nhà ở và thẻ tín dụng…

Tuy nhiên, những người phản đối chỉ trích Đạo luật mới gia tăng quyền hạn của Chính phủ đối với hoạt động của các công ty tài chính tư nhân, vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, làm tổn thương nguyên tắc kinh doanh tự do vốn được sùng bái như một công cụ làm tăng thịnh vượng nền kinh tế Hoa Kỳ.

Việc xét duyệt cho vay nghiêm khắc hơn sẽ khiến người dân gặp khó khăn nhiều hơn trong việc xin vay tín dụng, phạm vi lựa chọn bị giảm, nhưng giá thành lại tăng cao, đặc biệt cộng đồng thu nhập thấp càng thiệt thòi hơn. Nhìn chung, mục tiêu kiểm soát chặt hơn thị trường tài chính của Đạo luật có thể buộc các tổ chức tài chính phải dành nhiều nguồn lực hơn để tuân thủ và do đó thị trường tài chính sẽ khó phát triển nhanh, mạnh như trước đây.

Đạo luật cũng bị cho là một gánh nặng đối với các ngân hàng cỡ nhỏ và những doanh nghiệp lệ thuộc, từ đó làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Trên phạm vi toàn cầu, Đạo luật có thể cổ súy các nỗ lực chỉnh đốn hệ thống tài chính trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với việc siết lại các hoạt động đầu tư và tín dụng, nhất là đầu tư mang tính đầu cơ và mạo hiểm, Đạo luật ít nhiều sẽ hạn chế hoạt động cho vay của các ngân hàng, làm giảm các hoạt động rót vốn đầu tư…

Phố Wall có thay đổi?

Dù kêu ca rất nhiều khi Đạo luật Dodd-Frank được thông qua, các ngân hàng Phố Wall trong thực tế lại chẳng mấy bị ảnh hưởng, theo nghiên cứu mới công bố giữa tháng 10-2012 (hơn 2 năm sau khi Đạo luật được thông qua) của GS. Wulf Kaal thuộc Đại học St. Thomas. Nghiên cứu thực hiện trên 94 lãnh đạo của các quỹ tư nhân, quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư và công ty mua bán bất động sản.

Theo đó, 3/4 cho biết Đạo luật không khiến họ phải thay đổi cách kinh doanh so với trước. 4/5 nói không để ý đến Đạo luật khi quyết định các khoản đầu tư quỹ. 7/10 cho biết không có kế hoạch “thay đổi chiến lược” để phù hợp với yêu cầu của Đạo luật. “Dù lo ngại, ngành công nghiệp quỹ đầu tư chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ Đạo luật Dodd-Frank” - GS. Kaal viết.

Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định Đạo luật không thực hiện được một trong những mục tiêu chính là chấm dứt tình trạng “too big to fail”. Bằng chứng là các đại gia Phố Wall như JPMorgan, Goldman Sachs hay Bank of America vẫn ngày càng lớn hơn và càng khó đổ.

----------

Kỳ 3: Nỗ lực của EU và Trung Quốc

Các tin khác