Cải tổ ngân hàng - Bước đi sống còn (kỳ 1)

Basel III

Basel III

Ngân hàng được ví như “quả tim” của nền kinh tế, có nhiệm vụ “bơm” tiền mặt đi khắp các khu vực để “nuôi” và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một khi “quả tim” có vấn đề, cả cơ thể sẽ suy kiệt. Điều này đã được minh chứng qua cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Vì vậy, từ sau khủng hoảng, các nhà lãnh đạo thế giới đã có nhiều nỗ lực để cường hóa “quả tim”, giúp nền kinh tế khỏe mạnh hơn và có sức chống đỡ cao hơn.

Nỗ lực lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu trong việc cải tổ ngân hàng thời hậu khủng hoảng là việc đưa ra quy chế Basel III vào ngày 12-9-2010. Đó là một bộ quy chuẩn về hầu hết các vấn đề liên quan đến ngân hàng, như tỷ lệ vốn, thanh khoản, kiểm soát rủi ro... Dù được hoan nghênh về mặt tăng tính an toàn hệ thống cho ngành ngân hàng, nhưng Basel III bị chỉ trích có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi khó khăn như hiện nay.

 Nội dung cơ bản

Về tổng quát, Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ 4,5% vốn chủ sở hữu phổ thông (cổ phần phổ thông - Basel II là 2%) và 6% vốn cấp 1 (Basel II 4%). Basel III cũng bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu là 2,5%.

Tùy theo bối cảnh của mỗi quốc gia, một tỷ lệ vốn đệm phòng ngừa sự suy giảm theo chu kỳ kinh tế có thể được thiết lập với tỷ lệ từ 0-2,5%.

Basel III nhắm đến việc cải tổ cấu trúc vốn ngân hàng.

Basel III nhắm đến việc cải tổ cấu trúc vốn ngân hàng.

Phần vốn dự phòng này chỉ đòi hỏi trong trường hợp có sự tăng trưởng tín dụng nóng nguy cơ dẫn đến rủi ro cao trong hoạt động tín dụng một cách có hệ thống.

Ngoài ra, Basel III còn đưa ra các biện pháp giám sát chặt chẽ các ngân hàng và nhằm ngăn chặn việc lạm dụng chia thưởng hoặc chia cổ tức cao trong bối cảnh trình trạng tài chính và tỷ lệ an toàn vốn không đảm bảo.

Basel III cũng đồng thời rà soát lại các tiêu chuẩn (định nghĩa) vốn cấp 1 và vốn cấp 2 và sẽ loại bỏ các khoản vốn không đủ tiêu chuẩn khi giám sát chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu. Ngoài những nội dung đã đạt được sự đồng thuận như ở trên, Ủy ban Basel III còn đề xuất các nội dung sau:

Đầu tiên, chất lượng, tính đồng nhất và minh bạch của cơ sở vốn sẽ được tăng lên. Vốn cấp 1 chủ yếu phải có cổ phần phổ thông và lợi nhuận. Vốn cấp 2 sẽ được hài hòa, trong khi vốn cấp 3 sẽ bị loại bỏ.

Thứ hai, tăng cường quản lý rủi ro khuôn khổ vốn bằng cách: Đề xuất kết hợp quản lý thị trường và rủi ro tín dụng của đối tác; thêm nguy cơ CVA (điều chỉnh giá trị tín dụng) do suy giảm xếp hạng tín dụng của đối tác; nâng yêu cầu vốn đối với các tổn thất tín dụng đối tác phát sinh từ các hoạt động phái sinh của các ngân hàng, repo và các giao dịch tài chính, chứng khoán; nâng yêu cầu vốn đệm dự phòng cho các tổn thất này...

Thứ ba, sẽ giới thiệu một tỷ lệ đòn bẩy như một biện pháp bổ sung dựa trên khuôn khổ quản lý rủi ro của Basel II. Thứ tư, giới thiệu một loạt biện pháp để thúc đẩy việc xây dựng các bộ đệm vốn trong thời kỳ hanh thông để phòng cho giai đoạn căng thẳng.

Thứ năm, giới thiệu một tiêu chuẩn thanh khoản toàn cầu tối thiểu cho các ngân hàng toàn cầu, trong đó bao gồm yêu cầu thanh khoản tỷ lệ bảo hiểm 30 ngày, được củng cố bằng một tỷ lệ thanh khoản cơ cấu dài hạn được gọi là Tỷ lệ tài trợ ổn định ròng.

Tranh cãi

Một nghiên cứu công bố ngày 17-2-2011 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính việc triển khai quy chế Basel III trong trung hạn sẽ khiến GDP toàn cầu giảm từ 0,05-0,15% mỗi năm. Điều này được lý giải do các ngân hàng đòi hỏi phải để dành nhiều vốn dự phòng hơn, do đó sẽ giảm bớt lượng vốn cho vay ra nền kinh tế. Viện tài chính quốc tế (IIF), một hiệp hội của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, cũng chỉ trích Basel III sẽ làm giảm GDP của Hoa Kỳ và Anh còn 3,2% trong năm 2015, đồng thời làm tăng lãi suất cho vay khoảng 5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng Basel III có thể sẽ “phá hủy” nền kinh tế các nước đang phát triển, vì điều kiện của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hoàn toàn khác nhau, không thể áp đặt cùng một bộ quy chuẩn cho cả 2.

“Mục tiêu của các thị trường mới nổi là tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng nhanh. Điều tiết chặt hơn có thể khiến các ngân hàng của họ vững mạnh hơn nhưng lại có nguy cơ làm giảm sút tăng trưởng” - Michael Taylor, Cố vấn Ngân hàng Trung ương Barain, nói.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu công bố vào tháng 9-2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Basel III sẽ không làm giảm hoạt động cho vay hoặc gây tổn hại cho kinh tế như lo ngại OECD. Nghiên cứu chỉ ra rằng lo ngại của các tổ chức tài chính về những quy tắc vốn trong Basel III, cũng như sự gia tăng trong phí bảo hiểm tiền gửi và các quy tắc minh bạch đã bị thổi phồng quá mức.

Các tác giả công trình nghiên cứu, Andre Oliveira Santos và Douglas Elliot từ Viện nghiên cứu Brookings, nhận định: "Các ngân hàng có vẻ như đủ khả năng thích ứng với những thay đổi trong quy định mà không cần phải thực hiện những hoạt động có khả năng gây tổn hại tới nền kinh tế lớn hơn".

Dù vậy, IMF cho rằng các quy chuẩn Basel III vẫn chưa đủ mạnh để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, trưởng bộ phận Ngân hàng tư nhân thuộc UniCredit cho rằng Basel III có lợi cho các ngân hàng tư vì các ngân hàng này sẽ không phải hấp thụ nhiều vốn.

Đầu tháng này, do sức ép thị trường tăng, Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc hoãn triển khai các quy chuẩn của Basel III sang ngày 1-7-2013 hoặc ngày 1-1-2014 so với kế hoạch ban đầu là từ ngày 1-1-2013. Năm 2010, các nước G20 nhất trí nên bắt đầu áp dụng Basel III từ ngày 1-1-2013 và triển khai đầy đủ vào năm 2019.

----------

Kỳ 2: Đạo luật Dodd-Frank

Các tin khác