Tội lỗi ngân hàng Phố Wall (kỳ 3)

Tiếp tay tội phạm

Tiếp tay tội phạm

Gần đây, nhiều đại gia ngân hàng Phố Wall bị phanh phui đã tiếp tay cho những giao dịch rửa tiền và tài trợ cho giới buôn ma túy và khủng bố. Dù nhận thức đầy đủ đó là những hoạt động phi pháp, các ngân hàng vẫn sẵn sàng để điều đó xảy ra hòng tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ.

> Tội lỗi ngân hàng Phố Wall (kỳ 2)

> Tội lỗi ngân hàng Phố Wall (kỳ 1)

Sống sót bằng tiền ma túy

Trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, những giao dịch tiền ma túy chính là nguồn thanh khoản duy nhất giúp một số ngân hàng sống sót, theo Antonio Maria Costa, cựu Giám đốc Cơ quan chống Ma túy và Tội phạm Liên hiệp quốc (UNODC).

Phát biểu từ văn phòng ở Vienna, Costa nói những bằng chứng về tiền bẩn được hấp thụ vào hệ thống tài chính đã làm ông chú ý lần đầu tiên bởi các cơ quan tình báo và tòa án vào cuối năm 2008. “Trong nhiều trường hợp, tiền ma túy là vốn đầu tư thanh khoản duy nhất.

Trong nửa cuối năm 2008, mất thanh khoản là vấn đề chính của hệ thống ngân hàng và vì vậy việc có được nguồn vốn giàu thanh khoản mang tính sống còn” - Costa nói. Ông tin rằng phần lớn khoản lợi nhuận 352 tỷ USD từ ma túy đã hòa nhập vào nền kinh tế thông qua con đường này.

Costa cho biết có một số bằng chứng UNODC thu thập được cho thấy tiền của các băng đảng tội phạm đã được dùng để cứu các ngân hàng khỏi sụp đổ khi hoạt động vay mượn bị cạn kiệt: “Các khoản vay liên ngân hàng được lấy từ tiền có nguồn gốc mua bán ma túy và các hoạt động phi pháp khác. Có những dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng đã được cứu bằng cách đó”.

Costa thêm rằng dòng tiền trên nay đã là một phần của hệ thống chính thức và đã “được rửa hoàn hảo”. UNODC ước tính hoạt động mua bán ma túy của các băng nhóm tội phạm mang về khoảng 325 tỷ USD/năm. Costa tin rằng bọn tội phạm đã cố tìm cách đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính thông qua các nhà ngân hàng ở Anh, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ.

Điển hình Wachovia

Ngày 10-4-2006, một chiếc phản lực DC-9 hạ cánh xuống thành phố cảng Ciudad del Carmen, trên vịnh Mexico. Các binh lính Mexico khám xét và phát hiện trong máy bay chứa 5,7 tấn cocaine, trị giá 100 triệu USD. Sau 22 tháng điều tra, Cơ quan Thi hành luật chống Ma túy Hoa Kỳ (USDEA) và một số cơ quan hữu trách khác phát hiện ra những kẻ buôn ma túy mua chiếc may bay bằng tiền đã rửa thông qua một trong những ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ lúc đó là Wachovia, nay là một phần của Wells Fargo.

Các nhà chức trách phát hiện hàng tỷ USD chuyển khoản, ngân phiếu xách tay và nộp tiền mặt từ Mexico vào các tài khoản ở Wachovia. Ngay lập tức, Wachovia bị điều tra. Điều đáng chú ý là việc rửa tiền diễn ra từ năm 2004, khi Hoa Kỳ và Mexico đang tích cực đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy. Wachovia phải nộp phạt 160 triệu USD. Ngân hàng này cũng bị cấm vận vì thất bại trong việc áp dụng những biện pháp hữu hiệu để chống việc chuyển 378,4 tỷ USD tiền ma túy vào các tài khoản từ hệ thống hối đoái ở Mexico.

Tổng số tiền phạt chưa tới 2% lợi nhuận 12,3 tỷ USD của ngân hàng này vào năm 2009. Wachovia về sau được Wells Fargo mua lại do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Tờ Observer đã cất công điều tra về vụ này. Theo đó, một người đàn ông tên Martin Woods đã gia nhập chi nhánh Wachovia ở London vào tháng 2-2005 với chức vụ lãnh đạo chống rửa tiền cấp cao.

Trước đó ông từng làm việc trong đội cảnh sát chống ma túy ở London. Theo tiết lộ của ông, từ giữa năm 2005, ông đã đánh động cấp trên của mình (phụ trách chống rửa tiền toàn cầu của Wachovia) về những giao dịch từ các nguồn tiền đáng ngờ, nhưng đã bị phớt lờ.

Tiếp tay khủng bố

Từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Chính phủ Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Là nước phát động, những tưởng các ngân hàng ở Phố Wall sẽ đi tiên phong trong công cuộc chống lại dòng tiền khủng bố.

Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 7-8 (giờ Việt Nam) các nhà chức trách New York đã cáo buộc ngân hàng Standard Chartered Bank (SCB) che giấu 250 tỷ USD giao dịch với các đối tác bị nghi ngờ có liên quan đến khủng bố và những hoạt động tội phạm khác trong gần 10 năm qua. Các nhà chức trách nói SCB có những giao dịch trá hình với Iran, nước đã bị Nhà Trắng cấm vận và đưa vào danh sách tài trợ khủng bố.

Biếm họa về găng-tơ ngân hàng.

Biếm họa về găng-tơ ngân hàng.

Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYFS) đe dọa rút giấy phép hoạt động của ngân hàng này tại New York. Standard Chartered được lệnh phải đến sở vào ngày 15-8 để “giải trình sự vi phạm luật pháp”. “Trong gần 10 năm, SCB có những giao dịch làm ăn với Chính phủ Iran và che giấu khoảng 60.000 giao dịch bí mật, liên quan ít nhất 250 tỷ USD” - thông cáo của NYFS viết.

Các giao dịch chủ yếu nhằm cung cấp dịch vụ chuyển USD cho các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước Iran, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Iran, vốn là những ngân hàng bị Hoa Kỳ cấm vận do lo ngại tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran. Các nhà chức trách nói SCB đã không hề báo cáo về các giao dịch này và đã thực hiện chúng để kiếm hàng trăm triệu USD lợi nhuận “bất chấp mọi giá”.

Các giao dịch đã khiến hệ thống tài chính của Hoa Kỳ “dễ tổn thương trước các tổ chức khủng bố, các tay buôn vũ khí và ma túy, các chính phủ tham nhũng” - NYFS viết. Cơ quan này còn cho biết đã phát hiện những bằng chứng về các giao dịch phi pháp với Libya, Myanmar và Sudan khi những nước này vẫn còn bị Hoa Kỳ cấm vận.

Cuối tháng 7, một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ cũng cáo buộc một ngân hàng Phố Wall khác có trụ sở tại London là HSBC đã cho hơn 16 tỷ USD từ Iran và các tay trùm ma túy Mexico giao dịch vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ trong giai đoạn 2001-2007. Tuần trước, HSBC trích ra 700 triệu USD để chờ nộp phạt liên quan đến các giao dịch này, đồng thời cảnh báo chi phí có thể cao hơn.

Hồi tháng 6, ING Bank bị phạt 619 triệu USD vì liên quan trong việc chuyển 1,6 tỷ USD thông qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ cho các nước Iran, Myanmar, Sudan và Libya (những nước bị Hoa Kỳ cấm vận trong thời gian diễn ra các giao dịch).

Các tin khác