Tội lỗi ngân hàng Phố Wall (kỳ 2)

Lừa đảo quy mô lớn

 Lừa đảo quy mô lớn

Các ngân hàng Phố Wall không chỉ sao nhãng chức trách chính của ngành, mà còn tiếp tay cho lừa đảo, thậm chí chính họ thực hiện những vụ lừa đảo, mà đối tượng chính là “thượng đế” của mình.

Tội lỗi ngân hàng Phố Wall (kỳ 1)

Gian lận tín nhiệm

Từ lâu, việc xếp hạng của các công ty đánh giá tín dụng (CRA) đã là vấn đề đáng ngờ. Tháng 9-2009, tờ Wall Street Journal có bài viết cho rằng 3 đại gia xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody’s, S&P và Fitch “bán linh hồn” của họ bằng cách xếp tín nhiệm cho các loại tài sản độc hại và những công ty sa sút cao hơn lẽ thường.

Theo giới quan sát, khách hàng của các CRA, mà đa số là ngân hàng, đã đưa hối lộ để tác động vào kết quả đánh giá của CRA. “Đây là những định chế tìm kiếm lợi nhuận.

Các nhà bảo hiểm sẽ trả thêm tiền để có được hạng tín nhiệm tốt. Một kiểu hối lộ không bị luật pháp kiểm soát, các CRA cũng không chịu trách nhiệm đối với xếp hạng vô trách nhiệm của họ” - GS. ngành tài chính Ed Kane nói.

Hãng tin tài chính Bloomberg gần đây có bài viết cho biết một nhóm nhà đầu tư gửi đơn kiện Ngân hàng Morgan Stanley đã tạo áp lực lên Standard & Poor’s và Moody’s Investors Service Inc. năm 2006 để 2 hãng này định mức tín dụng “có thể đầu tư” lên 23 tỷ USD chứng phiếu bảo đảm bằng tài sản thứ cấp nhiều rủi ro.

Trong đó có trường hợp của Cheyne. Khi đó, Morgan Stanley được một nhân viên của S&P cho biết một số loại chứng khoán của Cheyne sẽ bị đánh hạng BBB, thay vì hạng A như ngân hàng mong muốn. Morgan Stanley sau đó đã gửi email tạo áp lực với S&P và kết quả Cheyne được xếp hạng A.

Trong vụ này, Bloomberg cho biết Morgan Stanley kiếm được 30 triệu USD khi các chứng phiếu của Cheyne được phát hành.

Thúc đẩy đầu tư rủi ro

Những ngân hàng Phố Wall còn bị lên án đã xúi khách hàng đổ tiền vào những khoản đầu tư mà các nhà ngân hàng thừa biết rủi ro cao, sau đó đặt cược chống lại các loại tài sản đó để kiếm lời. Tờ New York Times (NYT) cho biết những ngân hàng lớn, đặc biệt J.P. Morgan Chase và Goldman Sachs, đã giúp chính phủ Hy Lạp che giấu khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của họ.

Đó là một trong những nguyên nhân chính giúp Athens thoải mái vay mượn, khiến Hy Lạp ngập trong núi nợ công như hiện nay, làm cả châu Âu điêu đứng. “Với sự giúp sức của Goldman Sachs và JP Morgan Chase, Hy Lạp đã giấu nợ của họ bằng cách chuyển chúng thành các loại tài sản phái sinh” - NYT viết.

Điều này không chỉ diễn ra ở Hy Lạp, mà còn xảy ra với Italia và một số nước khu vực đồng EUR khác. Song song đó, Goldman Sachs mua các loại tài sản bảo hiểm đối với nợ của Hy Lạp và các nước họ giúp che giấu nợ, hòng kiếm lợi khi các món nợ của những nước này bị hạ mức tín nhiệm hoặc vỡ nợ.

Mua tay phải, bán tay trái

Mua tay phải, bán tay trái (wash trade) chỉ hành vi nhà đầu tư cá nhân hoặc tập thể cố tình bán ra và mua lại nhiều lần cùng một cổ phiếu hòng đẩy khối lượng giao dịch của cổ phiếu đó, từ đó đẩy giá một cách giả tạo.

Nhiều ngân hàng lớn liên quan đến việc thao túng lãi suất LIBOR.

Nhiều ngân hàng lớn liên quan đến việc thao túng lãi suất LIBOR.

Luật Hoa Kỳ nghiêm cấm điều này. Hồi đầu tháng 6, hãng tin Reuters cho biết các nhà điều hành sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) cáo buộc Ngân hàng JPMorgan Chase & Co đã tiến hành wash trade trong 10 vụ riêng biệt đối với dầu mỏ và khí đốt trong nửa đầu năm 2011.

CME Group, nhà vận hành NYMEX, yêu cầu JPMorgan nộp phạt 30.000USD, trong khi một nhà giao dịch của ngân hàng này là Ebele Emelumadu bị phạt 10.000USD. Trong 6 tháng đầu năm 2011, giá dầu thô ở Hoa Kỳ tăng vọt từ khoảng 91USD/thùng lên 114,83USD/thùng, mà nhiều người tin rằng một phần do các giao dịch wash trade của JPMorgan và một số ngân hàng khác.

Trước đó, hồi tháng 4, Ủy ban Giao dịch hàng hóa Tương lai (CFTC) của Hoa Kỳ cáo buộc Ngân hàng Royal Bank of Canada đã tiến hành giao dịch wash trade trong giai đoạn từ năm 2007-2010 trên sàn OneChicago LLC. Theo CFTC, Royal Bank đã tiến hành hàng trăm vụ giao dịch wash trade để đẩy giá hàng hóa tương lai.

CFTC cho biết có thể phạt Royal Bank 130.000USD cho mỗi giao dịch phi pháp, tức gấp 3 lần số tiền ngân hàng này kiếm được từ mỗi giao dịch đó.

Vụ lừa đảo lớn nhất

Từ cuối tháng 6, vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng LIBOR ở Anh là đề tài thu hút sự chú ý cả thế giới. Theo ước tính, lãi suất LIBOR liên quan đến 800.000 tỷ USD tài sản đầu tư trên toàn cầu (gấp 10 lần nền kinh tế thực). Điều này có nghĩa các nhà ngân hàng chỉ cần tăng lãi suất LIBOR lên 0,001%, cũng đủ thu về thêm 80 tỷ USD lãi suất mỗi năm.

Nhân vật chính trong vụ này là Barclays và khoảng 20 ngân hàng khác. Cho đến nay, Barclays đã bị các nhà chức trách ở Hoa Kỳ và Anh phạt tổng cộng 450 triệu USD.

Đầu tuần trước, Ngân hàng Berkshire Bank ở New York đã gửi đơn kiện 21 ngân hàng lớn tại Phố Wall, trong đó có những tên tuổi lớn như Bank of America, Barclays và Citigroup đã gây tổn hại cho họ từ việc thao túng lãi suất LIBOR. Berkshire cáo buộc việc gian lận lãi suất của 21 ngân hàng lớn đã làm gia tăng khoản chi trả lãi suất của họ.

Một điều đáng chú ý, đa số các sếp ngân hàng đều đổ lỗi các vụ bê bối cho lòng tham của nhân viên, cho rằng đó chỉ là một “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu công bố hồi đầu tháng 7 của Công ty Kiểm toán KPMG, 61% các vụ gian lận tại các công ty có liên quan đến người quản lý.

Trong đó, các giám đốc tài chính, CEO và những giám đốc cấp cao chịu trách nhiệm trên 55% giá trị các vụ gian lận. Bill Black, một trong những chuyên gia chống gian lận hàng đầu thế giới và là GS. kinh tế, luật, nói hầu hết các vụ gian lận tài chính là “gian lận kiểm soát”, nơi những ông chủ ngân hàng là những kẻ “đầu sỏ” triển khai gian lận hệ thống.

------------

Kỳ 3: Tiếp tay tội phạm

Các tin khác