Vàng sẽ hạ nhiệt?

Nguồn: Internet
 Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

(ĐTTC) - Tuần qua, thị trường vàng trong nước đã có những biến động mạnh và liên tục khi giá thay đổi hàng chục lần trong ngày. Giá vàng đã đạt kỷ lục lịch sử 46,2 triệu đồng/lượng vào ngày 10-8. Tuy nhiên mức giá này tồn tại không lâu khi vàng nhanh chóng mất 1 triệu đồng/lượng vào chiều cùng ngày.

Những ngày tiếp theo, giá vàng vẫn thay đổi liên tục nhưng theo chiều hướng giảm. Giao dịch trên thị trường cũng trở nên trầm lắng hơn, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, thay vào đó là tâm lý chờ đợi bao trùm.

Cuối tuần, vàng SJC giao dịch tại TPHCM ở mức 44,25 triệu đồng/lượng mua vào và 44,55 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy so với mức giá “khủng” 46,2 triệu đồng/lượng cách đây vài ngày, vàng bị “gọt” mất 1,7 triệu đồng/lượng. Với mức giá này vàng trong nước hiện chỉ còn chênh lệch so với thế giới 300.000 đồng/lượng.

Biến động mạnh của thị trường vàng trong nước một phần do thị trường vàng thế giới. Giữa tuần trước vàng thế giới liên tục giữ đà tăng, thậm chí có lúc giá tại châu Á đã phá mốc kỷ lục của mọi thời đại: 1.817,6USD/ounce.

Nguyên nhân chính được cho do Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm tín dụng Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+, đã khiến vàng càng trở nên hấp dẫn hơn.

Nhưng trong 2 ngày cuối tuần, sau những tuyên bố của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chứng khoán đã xanh trở lại, kéo thị trường vàng giảm giá. Đến chiều 13-8, vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.746USD/ounce. Dù vậy tính chung cả tuần vàng vẫn tăng 5,5%.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu tuần này giá vàng có tiếp tục giảm? Theo khảo sát của Kitco.com với 22 người được hỏi có tới 14 người cho rằng vàng sẽ giảm trong tuần tới, 4 người cho rằng vàng tăng trở lại và 4 người còn lại nói không có biến động.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường cũng chứng kiến phiên bán ra tiếp theo của quỹ đầu tư SPDR với khối lượng gần 13 tấn vàng. Như vậy, sau 4 phiên liên tiếp quỹ này đã bán khoảng 50 tấn vàng.

Các tin khác