Vàng biến động, USD hạ nhiệt

Trong 2 ngày 27 và 28-9, giá vàng trong nước biến động phức tạp theo giá vàng thế giới. Khác với những ngày trước đó vàng tuy giảm giá nhưng chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới lại có xu hướng tăng cao. Cùng đó, trên thị trường ngoại hối giá USD cũng chựng lại. Nhiều chuyên gia nhận định nhiều khả năng thị trường đang đón chờ thông tin mới từ NHNN.

Trong 2 ngày 27 và 28-9, giá vàng trong nước biến động phức tạp theo giá vàng thế giới. Khác với những ngày trước đó vàng tuy giảm giá nhưng chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới lại có xu hướng tăng cao. Cùng đó, trên thị trường ngoại hối giá USD cũng chựng lại. Nhiều chuyên gia nhận định nhiều khả năng thị trường đang đón chờ thông tin mới từ NHNN.

Vàng: mỗi nơi mỗi giá

Giá vàng SJC giao dịch ngày 27-9 diễn biến phức tạp theo hướng sáng giảm chiều tăng. Tính chung cả ngày giá vàng lên xuống hơn 20 lần, các cửa hàng kinh doanh vàng liên tục phải thay đổi bảng niêm yết giá. Vào thời điểm cuối ngày 27-9, giá vàng SJC đứng ở mức 45,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới xuống mức 2,5 triệu đồng/lượng, so với điểm đỉnh hơn 4 triệu đồng lúc mới mở cửa.

Đặc biệt chênh lệch giữa giá mua và bán được nhiều cửa hàng đẩy lên, có lúc đến 1,5 triệu đồng/lượng. Qua ngày 28-9, giá vàng tiếp tục biến động mạnh theo giá vàng thế giới. Cụ thể, đầu giờ sáng giá vàng thế giới lùi về mức 1.638,6USD/ounce, giảm hơn 30USD so giới ngày trước đó, kéo theo giá vàng trong nước quay đầu giảm 1,3 triệu đồng/lượng so với cuối phiên ngày 27-9.

Những nhà đầu tư cá nhân không rành về phân tích kỹ thuật khi mua bán vàng theo giá thế giới sẽ phải chịu rủi ro rất lớn. Giả sử giá trong nước bằng giá thế giới, rủi ro của cá nhân mua vàng cũng rất lớn, vì giá thế giới không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trong nước. Thêm vào đó, giá trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới và phần chênh lệch này người mua vàng trong nước phải chịu. Rủi ro sẽ càng tăng vì chắc chắn NHNN sẽ có các biện pháp kéo giá trong nước về gần với giá thế giới, như cho nhập vàng, hay cấm mua bán vàng miếng, hoặc có thể là cho phép NH được huy động và cho vay vàng trở lại.

TS. Lê Thẩm Dương,
Đại học Ngân hàng TPHCM

Vàng SJC niêm yết lúc 9 giờ 30 phút sáng mua vào 44 triệu đồng/lượng, bán ra 44,4 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu vàng PNJ và SBJ trên thị trường TPHCM cũng điều chỉnh giá bán ra giảm mạnh. Theo đó, vàng SBJ của Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank bán ra 44,49 triệu đồng/lượng. Vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận bán ra 44,55 triệu đồng/lượng.

Đến cuối giờ chiều, vàng trong nước có sự khác biệt về giá giữa các thương hiệu vàng. Vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở 44,3-44,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 420.000 đồng so với lần cập nhật trước. Vàng SBJ - Sacombank giao dịch ở 44,41-44,89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Riêng vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu bán ra vượt 45 triệu đồng/lượng, hiện giao dịch ở 44,6-45,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 450.000 đồng so với lần cập nhật trước.

Như vậy, khoảng cách mua vào - bán ra của các nhãn hiệu vàng trong ngày 28-9 khoảng 400.000-550.000 đồng và các tiệm vàng ở Hà Nội niêm yết giá vàng cao hơn ở TPHCM khoảng 300.000-400.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được đẩy lên so với cuối chiều 27-8. Theo đó giá trong nước cao hơn thế giới 3,3-3,5 triệu đồng/lượng.

Nhiều tiệm vàng cho biết giá vàng hạ đã thu hút người dân trở lại thị trường nhưng không có cảnh chen chúc mua như ngày 27-9. Cứ khoảng 10 người đến giao dịch, có 7-8 người chủ yếu mua nhỏ lẻ vài chỉ đến vài lượng, thị trường thiếu vắng nhà đầu tư lớn. Những người mua giá cao trước đó thì găm giữ vàng không bán ra, trong khi những nhà đầu cơ lớn cũng bắt đầu e ngại về độ lệch lớn của giá vàng trong nước so với giá thế giới.

USD: giảm do đâu?

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá giao dịch bình quân liên NH giữa VNĐ và USD trong 2 ngày 27 và 28-9 tiếp tục ở mức 20.628 đồng/USD. Đây là mức tỷ giá không đổi trong 30 phiên liên tiếp. Theo đó, các NHTM vẫn niêm yết giá mua USD 20.810-20.830 đồng, giá bán ở mức trần 20.834 đồng. Cụ thể, Vietcombank vẫn áp dụng mức tỷ giá bán ra trần biên độ cho phép 20.834 đồng/USD và mua vào 20.830 đồng/USD.

Giá vàng lúc 16 giờ ngày 28-9. Ảnh: LÃ ANH
Giá vàng lúc 16 giờ ngày 28-9. Ảnh: LÃ ANH

Trong khi đó, tỷ giá  USD/VNĐ trên thị trường tự do sau khi tăng trong ngày 26-9, đã giảm 30 đồng/USD và đứng ở mức 21.270 đồng/USD trong ngày 27-9. Sang ngày 28-9, giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do cũng khá ảm đạm, không có biến động lớn.

Một lãnh đạo của Eximbank cho biết giao dịch USD trên thị trường liên NH khá sôi động vì đây là thời điểm cầu USD của doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, mức giá USD giao dịch của thị trường này không có biến động lớn, ở mức giá USD chuyển khoản từ 20.970 đồng/USD, bằng so với ngày trước đó.

Giới kinh doanh vàng nhận định giá USD thị trường tự do hạ nhiệt do thị trường mua bán vàng biên giới tạm ngưng thanh toán 3 ngày vì người dân Campuchia vào lễ hội Đôn-ta. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giá USD tự do không nóng do SJC chỉ nhận ép vàng nguyên liệu thành vàng miếng đúng số lượng nhập khẩu chính thức do NHNN cấp hạn ngạch nhằm khống chế vàng nhập lậu làm thất thoát USD, ổn định thị trường USD tự do. Vì vậy, cầu USD nhập lậu vàng nguyên liệu cũng giảm nhanh.

Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng gần đây NHNN đã bán USD ra thị trường để can thiệp đáp ứng nhu cầu USD thanh toán hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những khoản tín dụng ngoại tệ được cho là sẽ đáo hạn số lượng không nhỏ trong tháng 9 và tháng 10 tới.

Các tin khác