Tỷ giá ép lãi suất?

Thị trường ngoại hối trong những tháng qua đã có diễn biến tích cực. Sự dịch chuyển từ tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi VNĐ của người dân ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó nhiều NHTM thừa nhận đang rất lo về thanh khoản ngoại tệ trên thị trường huy động và cho vay.

Thị trường ngoại hối trong những tháng qua đã có diễn biến tích cực. Sự dịch chuyển từ tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi VNĐ của người dân ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó nhiều NHTM thừa nhận đang rất lo về thanh khoản ngoại tệ trên thị trường huy động và cho vay.

“Đi đêm” lãi suất ngoại tệ

Quyết định hạ trần lãi suất huy động ngoại tệ xuống 2%/năm đến nay đã có tác dụng, nhiều người dân đã chuyển từ tiết kiệm bằng USD sang tiết kiệm VNĐ. Số liệu mới đây của NHNN cũng cho thấy huy động bằng ngoại tệ đến cuối tháng 6 của hệ thống NHTM giảm 3,62% so với cuối tháng trước và chỉ tăng 8,94% so với cuối năm 2010.

Tuy nhiên tín dụng ngoại tệ lại tăng 2,43% so với tháng trước và tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010. Trong đó không ít NHTM cho vay ngoại tệ vượt 140-150% lượng USD huy động dẫn đến việc mất cân đối trong huy động và cho vay ngoại tệ.

Nhu cầu vay USD của doanh nghiệp vẫn rất cao. Ảnh: LÃ ANH

Nhu cầu vay USD của doanh nghiệp vẫn rất cao. Ảnh: LÃ ANH

Bên cạnh đó là tình trạng một số NH bắt đầu thỏa thuận vượt trần đối với tiền gửi bằng ngoại tệ. Một NH cổ phần cho biết từ cuối tháng 6 đến nay lượng tiền gửi ngoại tệ từ dân cư của NH tăng chậm, nhiều khách hàng cũ đến hạn đã rút tiền và không gửi lại nữa vì chê lãi suất 2%/năm quá thấp.

Vì vậy, với những khách hàng cũ có số dư tiền gửi trên 10.000USD khi đến đáo hạn NH có cơ chế thỏa thuận với lãi suất vượt trần 1-1,5%/năm kỳ hạn 1-6 tháng.

Hiện nay nhiều NHTM cho biết trạng thái ngoại tệ được cải thiện rõ ràng. Các NHTM tiếp tục mua ròng từ khách hàng nên tất cả nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại các NHTM buộc phải hạn chế cho vay ngoại tệ do lượng vốn huy động sụt giảm mạnh.

Riêng các NHTM nhà nước cũng đã phải siết lại tín dụng ngoại tệ kể từ ngày 1-7 theo quy định của NHNN. Không chỉ huy động chậm, lượng tiền gửi cũng sụt giảm mạnh về kỳ hạn.

Theo ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiadinhBank, hiện nay kỳ hạn gửi tiết kiệm 3 tháng có số dư cao nhất, tiếp đến là kỳ hạn 1 tháng và không kỳ hạn. Hầu như không có khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng. Do vậy, cho vay thời điểm này các NHTM cũng rất ngại kỳ hạn dài dễ rủi ro thanh khoản, nhất là đối với tín dụng ngoại tệ khi lượng tiền gửi ngoại tệ đang có xu hướng biến động.

Thực tế, không chỉ lãi suất huy động vốn bằng USD ở các NHTM đã xuất hiện tình trạng “đi đêm” mà lãi suất huy động USD trên thị trường liên NH cũng đã tăng trở lại sau một thời gian giảm nhanh. Tuần qua, theo báo cáo của NHNN lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên NH bằng USD có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết kỳ hạn so với tuần trước. Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 0,85%/năm, tăng 0,16% so với tuần trước, lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động 1,48- 3,3%/năm.

Chuyển nợ bằng VNĐ

Mặc dù thiếu hụt nguồn vốn huy động USD nhưng nhiều NHTM cho biết nhu cầu vay USD của doanh nghiệp vẫn rất cao, bởi so với vay tiền đồng lãi suất 18-22%/năm vay USD lãi suất 6,5-8%/năm vẫn rẻ hơn. Hơn nữa, nhiều nhận định từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ ổn định, không có biến động lớn nên vay USD kỳ hạn 3-6 tháng vẫn là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Hiện nay các NHTM đã khuyến khích khách hàng vay tiền đồng mua USD nhằm giảm bớt sự mất cân đối về cung cầu USD trên thị trường tín dụng. Nhất là nguồn USD trên thị trường mua bán đang dư thừa. Một lãnh đạo NH cổ phần, cho biết đang có chính sách ưu đãi lãi suất VNĐ thấp hơn lãi suất thực tế 0,5-1,5%/năm cho doanh nghiệp nào chuyển nợ vay từ USD sang tiền đồng.

Ngày 6-7 các NHTM cũng đồng loạt giữ nguyên tỷ giá sau khi điều chỉnh nâng giá mua khoảng 20 đồng ngày trước đó. Cụ thể, Vietcombank giá mua bán USD ở mức 20.560-20.630 đồng/USD, Eximbank 20.530-20.630 đồng/USD. Tỷ giá bình quân liên NH của NHNN cũng giữ nguyên so với ngày trước đó ở mức 20.600-20.819 đồng/USD.

Tuy nhiên, so với thị trường tự do, giá mua USD ở các NHTM vẫn cao hơn 20-30 đồng/USD. Theo một chuyên gia NH, sở dĩ các NHTM mua USD cao hơn giá thị trường tự do nhằm gom USD để đáp ứng nhu cầu mua USD thanh toán nợ vay của doanh nghiệp.

Thị trường tỷ giá đang diễn biến tích cực từ các giải pháp ngoại hối, nhưng theo nhiều chuyên gia thời điểm này NHNN không nên kéo giảm tỷ giá xuống thấp nữa để tránh “lợi bất cập hại”. Bởi tỷ giá nếu tiếp tục rớt nhu cầu vay ngoại tệ nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng và điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu gia tăng. 6 tháng đầu năm nhập siêu giảm nhưng hầu như chủ yếu là do xuất khẩu vàng bù lại. Hiện tại giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới và nếu tình trạng này kéo dài khả năng vay ngoại tệ nhập lậu vàng sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm.

Các tin khác