Cẩn trọng tín dụng Trung Quốc

(ĐTTCO) - Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu về vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn và luôn thiếu. Tuy nhiên, việc vay và sử dụng vốn ra sao lại là một thách thức trên thực tế, nhất là ở những dự án vay vốn của Trung Quốc.

(ĐTTCO) - Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu về vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn và luôn thiếu. Tuy nhiên, việc vay và sử dụng vốn ra sao lại là một thách thức trên thực tế, nhất là ở những dự án vay vốn của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phát triển kinh tế theo hướng không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu vốn, công nghệ và lao động ra nước ngoài. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã thành lập hàng loạt định chế tài chính cung cấp tín dụng phát triển, như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vốn điều lệ 100 tỷ USD; Quỹ Con đường tơ lụa (SF) 40 tỷ USD; Quỹ Con đường tơ lụa xanh 4,8 tỷ USD. Các định chế mới này, cộng với các ngân hàng chính sách trước đây như Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM), đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia cung cấp tài chính phát triển lớn nhất thế giới vào năm 2016.

Trong giai đoạn 2005-2014, chỉ tính riêng lĩnh vực năng lượng, các định chế tài chính cung cấp tín dụng phát triển của Trung Quốc đã cho vay hơn 127 tỷ USD (gần gấp đôi con số 78 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới cung cấp). Tại châu Phi, Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất, cung cấp tài chính cho 80% dự án cơ sở hạ tầng giao thông. Theo ước tính của Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, tính gộp cả ODA, các khoản cho vay của các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại và định chế tài chính mới, từ 2015 mỗi năm Trung Quốc cung cấp 80-100 tỷ USD tài chính phát triển ra toàn cầu.

Tại hội thảo đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới và VCES, tổ chức mới đây, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES cho rằng có 2 điểm nổi bật của dòng vốn Trung Quốc, đó là không minh bạch về tổng quy mô tín dụng và điều kiện vay vốn gắn chặt với lợi ích của Trung Quốc. Theo đó, đi theo các dự án của Trung Quốc ở Việt Nam hay châu Phi, Mỹ Latin, là hàng chục ngàn lao động nước này. Điều này tạo áp lực xã hội và kể cả xung đột văn hóa đối với người bản địa. Cũng theo ông Thành, vốn Trung Quốc vay dễ nhưng không rẻ. Nhiều dự án bị đội vốn, tham nhũng, thiếu những điều kiện ràng buộc về bảo vệ môi trường… Điều này khác với các ràng buộc môi trường, cân bằng, an sinh xã hội của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á thời gian qua.

Tín dụng phát triển Trung Quốc cũng tạo ra nhiều thách thức với các nước vay vốn. Câu chuyện về vốn vay Trung Quốc đắt hay rẻ có thể nhìn thấy từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội. Đến nay, dự án này đã đội vốn lên đến gần 900 triệu USD, tăng 1,6 lần so với ban đầu. Theo các chuyên gia kinh tế, gánh nợ của Trung Quốc trên thực tế thường lớn hơn rất nhiều so với vốn vay ban đầu. Thí dụ, dự định vay 300 triệu USD của Trung Quốc làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ở Quảng Ninh cần phải tính toán lại. Bởi lẽ, vay nhiều vốn, Trung Quốc sẽ chèn ép phát triển vốn bản địa, trong khi đó doanh nghiệp trong nước có thể làm được. Việt Nam rất coi trọng ODA, FDI, vốn vay nước ngoài nhưng lại coi nhẹ nguồn lực trong nước. Các tỉnh, các địa phương vẫn nghĩ đến thu hút FDI nhiều hơn thu hút vốn trong nước. Thực tế này cho thấy việc quá nhấn mạnh ngoại lực mà quên đi nội lực, nhất là đất nước 90 triệu dân nhưng chủ yếu dựa vào nước ngoài để phát triển, tiềm năng lớn chỉ để cho nước ngoài khai thác, không để trong nước khai thác, cần phải được nghiêm túc xem xét lại.

Rõ ràng, tín dụng phát triển Trung Quốc tạo ra nhiều thách thức với các nước vay vốn. Ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng cung cấp các khoản cho vay với lãi suất gần như bằng 0%, các điều khoản về việc chỉ định nhà thầu Trung Quốc, sử dụng lao động Trung Quốc cho cả các hạng mục đơn giản nhất, cũng đã hạn chế lợi ích tiềm tàng cho các công ty bản địa. Thế giới sẽ biến động, vai trò của Hoa Kỳ và Trung Quốc thay đổi, khiến mọi quốc gia sẽ phải có sự điều chỉnh và Việt Nam cũng phải ứng biến tốt hơn. Theo đó, cần cân nhắc và thận trọng khi vay vốn từ Trung Quốc, không nên quá sốt sắng về điều này. Bởi Việt Nam vẫn còn có thể sử dụng nhiều nguồn vốn khác để giải quyết bài toán đầu tư.

Các tin khác