Khu kinh tế cửa khẩu: Bạo phát, bạo tàn

Nước ta bắt đầu cho thí điểm xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) khá sớm. Những năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, lãi vay, đất đai, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, giúp nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư phát triển hiệu quả KKTCK. Tuy nhiên, hàng loạt KKTCK, siêu thị miễn thuế hiện nay đang rơi vào tình trạng kinh doanh èo uột, dẫn đến phải đóng cửa.

Nước ta bắt đầu cho thí điểm xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) khá sớm. Những năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, lãi vay, đất đai, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, giúp nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư phát triển hiệu quả KKTCK. Tuy nhiên, hàng loạt KKTCK, siêu thị miễn thuế hiện nay đang rơi vào tình trạng kinh doanh èo uột, dẫn đến phải đóng cửa.

Phát triển nóng

Việt Nam có đường biên giới và bờ biển dài, một lợi thế lớn để xây dựng và phát triển mạng lưới KKTCK. Từ năm 1996, Chính phủ tiến hành thí điểm xây dựng KKTCK Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), trong đó thông qua việc phê duyệt một số cơ chế ưu đãi liên quan đến hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế.

2 năm sau đó, Chính phủ tiến hành thí điểm ở quy mô rộng hơn với việc phê duyệt thành lập, kèm theo các chính sách ưu đãi cho KKTCK Mộc Bài (Tây Ninh) và Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị). Kể từ đây, nhiều địa phương trên cả nước bước vào giai đoạn phát triển nóng KKTCK.

Quy định nộp thuế ngay khi nhập hàng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp vì bị chôn vốn 30-35%. Cơ quan thuế chỉ hoàn thuế khi lô hàng được bán hết, song để được hoàn thuế rất gian truân vì bán một lô hàng có khi phải mất đến 1 năm. Những áp lực này khiến nhiều doanh nghiệp không dám nhập hàng về nhiều như trước và chỉ hoạt động cầm chừng.

Trần Thị Bích Huyền,
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Song Châu

Theo Quy hoạch phát triển các KKTCK của Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 KKTCK. Các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai, Đồng Đăng - Lạng Sơn, Lao Bảo, Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp được quan tâm xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, theo thống kê, cả nước đang có 21 tỉnh có KKTCK tại biên giới với khoảng 25 cửa khẩu được quy hoạch làm KKTCK, hoặc được áp dụng chính sách KKTCK. Cộng thêm các cửa khẩu phụ hoặc cửa khẩu tiểu ngạch, Việt Nam hiện có hơn 30 cửa khẩu đang hoạt động.

Tỉnh Đồng Tháp tính đến nay đã chi khoảng trên 220 tỷ đồng xây dựng các KKTCK quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng), với tổng diện tích gần 32.000ha. Tỉnh An Giang cũng được xem là địa phương có nhiều KKTCK.

Tính đến nay tỉnh này có các KKTCK quốc tế gồm Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) và Khánh Bình (huyện An Phú), với tổng diện tích trên 26.500ha. Các KKTCK có nhiều phân khu chức năng như khu bảo thuế, kho ngoại quan, trung tâm thương mại (siêu thị miễn thuế), đô thị, chợ nông sản, khu vui chơi giải trí.

Ban quản lý các KKTCK tỉnh An Giang cho biết tổng vốn đầu tư 3 KKT này trên 124 tỷ đồng. Được biết, ngoài 3 KKTCK nói trên, tỉnh An Giang đang xin chủ trương và đầu tư phát triển KKTCK Vĩnh Hội Đông.

 Mặc dù các địa phương khá sốt sắng khi xin thành lập KKTCK, nhưng nhìn chung, hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng các KKTCK hiện nay phần lớn chưa phù hợp với điều kiện sẵn có, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia. Các KKTCK đều có chung định hướng đầu tư nên chưa phát huy được lợi thế so sánh khác biệt, dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các KKTCK.

Trong khi đó, đặc điểm chung của những KKTCK hiện nay đều có cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, quá phụ thuộc vào nguồn ngân sách eo hẹp của Trung ương. Hầu hết cửa khẩu thiếu hệ thống kho bãi và các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa. Ngoài ra, chính sách phát triển thương mại biên giới của Việt Nam với các nước láng giềng vẫn chưa hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thương mại biên giới, nhất là đối với hoạt động xuất khẩu hàng nông sản.

Đóng cửa vì hết ưu đãi

Trước đây, nhờ có chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế cửa khẩu, một số khu đã thu hút đầu tư, có thời điểm hoạt động hiệu quả, thực sự là cửa ngõ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và xuất cảnh (Tân Thanh, Hữu Nghị, Móng Cái, Lào Cai, Bát Xát, Tà Lùng, Cầu Treo…).

Tại Móng Cái, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái trong 3 năm 2011-2014 đạt 14.160 triệu USD, tăng bình quân 7,2%/năm. Về hoạt động đầu tư, giai đoạn 1996-2014, Móng Cái đã đầu tư xây dựng 1.150 dự án, công trình với tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, phục vụ phát triển thương mại du lịch - dịch vụ, các ngành kinh tế, văn hóa-xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tỉnh sẽ điều chỉnh thu hẹp quy hoạch khu phi thuế quan vì diện tích trên 1.300ha là rất lớn. Các dự án ngừng hoạt động hoặc triển khai chậm sẽ được chuyển đổi công năng như đầu tư khu công nghiệp.

Ông Phạm Văn Sơn,
Phó trưởng Ban quản lý KKT Tây Ninh

Tỉnh Hà Giang có 1 cửa khẩu quốc tế là Thanh Thủy - Thiên Bảo và 3 cặp cửa khẩu phụ Phó Bảng - Đổng Cán, Xín Mần - Đô Long và Săm Pun - Điền Bồng. Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh từ năm 2010 đến 2014 đạt 1.448 triệu USD.

Tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn 2011-2014 đạt 12,3%, tuy nhiên tốc độ tăng chỉ đạt trong 2 năm 2011-2012, sụt giảm trong 2 năm 2013-2014. Đây là dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thiếu ổn định và thiếu tính bền vững.

Trên thực tế, rất nhiều cửa khẩu đã đầu tư 5-7 năm nay nhưng hầu như hàng hóa thông quan rất ít, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ế ẩm, do môi trường đầu tư kém hấp dẫn, hạ tầng kỹ thuật - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ. Điển hình như 2 KKTCK Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng).

Trải qua hàng chục năm xây dựng, hiệu quả đầu tư 2 KKTCK này rất kém khi chỉ mới đầu tư 1 khu tái định cư, ngôi chợ và con đường dẫn đến khu vực cửa khẩu. Chuỗi siêu thị phi thuế quan Mộc Bài trước đây cho phép khách nội địa tham quan, du lịch có mang theo chứng minh nhân dân được mua hàng miễn thuế với tổng giá trị 500.000 đồng mỗi ngày, cũng như việc hàng hóa có giá thấp hơn 10-15% so với bên ngoài, khiến nơi đây từng là điểm đến mua sắm hấp dẫn.

Dù vậy, trên 90% siêu thị miễn thuế tại đây phải đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ.  Sau 10 năm hoạt động, Siêu thị miễn thuế lớn nhất tại KKTCK Mộc Bài là G.C (thuộc Công ty TNHH Thế Kỷ Vàng) đã có văn bản xin đóng cửa hoạt động kể từ ngày 5-5-2015.

Theo ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thế Kỷ Vàng, nguyên nhân đóng cửa các siêu thị miễn thuế do thay đổi về chính sách bán hàng miễn thuế khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều mặt hàng, trong đó rượu, bia không còn được miễn thuế nên lượng khách giảm mạnh.

Chưa kể, từ tháng 10-2014, theo Thông tư 109 của Bộ Tài chính, hàng hóa phải nộp thuế ngay (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT) khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, thay vì nộp sau như trước đó. Chính quy định trên đã gần như xóa bỏ hoàn toàn các ưu đãi đặc thù dành cho KKTCK Mộc Bài nói riêng và các KKTCK nói chung.

Tìm lối thoát

Việc thay đổi và thiếu nhất quán về cơ chế chính sách, trong đó có chính sách về thuế đã đẩy các doanh nghiệp KKTCK đi vào bờ vực phá sản. Mới đây, tỉnh Quảng Trị, Hội doanh nghiệp KKTCK Lao Bảo đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính nêu những bất cập và kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân Thông tư 109 không phù hợp với Quyết định 72, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, Giấy chứng nhận đầu tư được Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp có quy định miễn thuế. Đây là văn bản cam kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp, phù hợp các quy định trước đây của Nhà nước, trong đó có Quyết định 11 của Thủ tướng ban hành năm 2005.

KKTCK Mộc Bài với tổng diện tích 21.284ha. Toàn khu có gần 50 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 616 triệu USD. Nhưng đến nay có chưa đến 20 dự án được triển khai đi vào hoạt động. Theo Ban quản lý KKT tỉnh Tây Ninh, khu thương mại - dịch vụ phi thuế quan được quy hoạch đến năm 2020 có diện tích 1.303ha.

Hiện chỉ có 14 trong tổng số 38 doanh nghiệp đăng ký còn hoạt động thường xuyên trong khu phi thuế quan cửa khẩu Mộc Bài, dự báo sẽ tiếp tục giảm nếu chính sách thuế không có sự thay đổi trong thời gian tới.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (thuộc KKTCK tỉnh Lào Cai) - 1 trong 3 cửa khẩu quốc tế có vị trí quan trọng trong giao lưu thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (thuộc KKTCK tỉnh Lào Cai) - 1 trong 3 cửa khẩu quốc tế
có vị trí quan trọng trong giao lưu thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Tại khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên, thời gian trước có 42 doanh nghiệp kinh doanh với trên 200 gian hàng, nhưng hiện nay chỉ còn 5-7 đơn vị hoạt động cầm chừng. Ông Đặng Ngọc Hùng, Trưởng Ban quản lý khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết việc thay đổi chính sách liên tục đối với khu phi thuế quan đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, thời gian tới nếu không có chính sách hỗ trợ, tất cả doanh nghiệp sẽ đóng cửa vì thua lỗ. Và để tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, những khu thương mại phi thuế quan sẽ phải chuyển đổi công năng, mô hình hoạt động.

Theo các chuyên gia kinh tế, các siêu thị miễn thuế đang mất dần lợi thế là điều đã được dự báo từ trước. Ngay trong năm 2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thêm 1.715 dòng thuế từ mức thuế suất hiện hành 5% xuống còn 0% đối với mặt hàng nhập từ các nước ASEAN.

Một bất lợi nữa cho các siêu thị miễn thuế cửa khẩu là sau khi Hiệp định AFTA, TPP ký kết, các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực châu Âu và Hoa Kỳ sẽ có mức thuế thấp. Lúc đó, sản phẩm ở các trung tâm thương mại thông thường đã có mức giá rẻ, người dân không cần phải lên tận cửa khẩu biên giới xa xôi hàng trăm km mua hàng miễn thuế.

Các tin khác