DIỄN ĐÀN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Bài 2: Đào tạo theo chuẩn quốc tế

Để thực sự đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà, nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức. Không ít vị lãnh đạo cấp cao đã lắng nghe và trao đổi với các nhân sĩ, tri thức về con đường trước mắt của sự nghiệp trồng người ở Việt Nam. Chỉ ra được khiếm khuyết và mạnh dạn đầu tư cho giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, chính là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Để thực sự đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà, nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức. Không ít vị lãnh đạo cấp cao đã lắng nghe và trao đổi với các nhân sĩ, tri thức về con đường trước mắt của sự nghiệp trồng người ở Việt Nam. Chỉ ra được khiếm khuyết và mạnh dạn đầu tư cho giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, chính là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Quyết sách đồng bộ

Không khó để chỉ ra thực trạng chông chênh của giáo dục nước ta. Chỉ riêng đào tạo đại học đã thấy nhiều điều đáng lo ngại.

Thứ nhất, giáo trình giảng dạy hầu hết do giáo viên trong nước biên soạn, chưa được tiêu chuẩn hóa và công nhận trên quốc tế.

Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bằng cấp của Việt Nam cũng chưa được công nhận và đánh giá đúng mức, dẫn đến việc khó cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi với các trường đại học trên thế giới, hoặc chuyển ngang sang học tiếp tại các trường đại học quốc tế, hoặc xét học tiếp các cấp độ cao hơn đối với các học sinh đã tốt nghiệp trong nước.

Thứ hai, trong nước chưa có một bộ quy tắc đánh giá chất lượng đào tạo, cũng như tiêu chí xếp loại các trường, các ngành học để nước ngoài dựa vào đó hợp tác làm việc với các trường trong nước.

Thứ ba, chính sách đầu vào của các trường đại học sư phạm chưa cao, chất lượng đào tạo chưa có được những ưu tiên về chính sách lương bổng của giáo viên, chưa đủ sức để thu hút nhân tài - những người thực sự có tâm, có đức vào lĩnh vực đào tạo con người.

Thứ tư, hệ thống các phòng thí nghiệm, nghiên cứu còn quá nghèo nàn, không thu hút được các nhà nghiên cứu khoa học trẻ.

Rõ ràng, để đổi mới giáo dục không thể không có những quyết sách đồng bộ. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành giáo dục làm nổi. Trước mắt Trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện”.

Kiểm định chất lượng

Với tư cách hiệu trưởng một trường trung học dân lập, GS. Văn Như Cương đề xuất cụ thể: “Tôi đã nhiều lần nghe Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định rằng trong công cuộc đổi mới giáo dục lần này, việc đổi mới thi cử được chọn làm khâu đột phá. Người ta giải thích rằng tác động vào khâu đột phá (thi cử) này sẽ làm rung động và chuyển động các khâu khác như dạy, học, chương trình, sách giáo khoa... Các vị cho rằng "thi gì thì học nấy" - điều đó đúng nhưng không nên quên một nguyên tắc quan trọng "học gì thi nấy". Đây không phải là chuyện con gà có trước hay là quả trứng có trước. Dứt khoát phải xác định học cái gì, học như thế nào đã, rồi sau đó mới bàn chuyện thi cái gì, thi như thế nào? Cho nên tôi nghĩ rằng khâu đột phá của đổi mới giáo dục phải là chương trình và sách giáo khoa”.

Qua 3 năm thực hiện kế hoạch chiến lược 2011-2015, Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị tiên phong triển khai thí điểm các mô hình, công nghệ mới trong giáo dục và đào tạo, góp phần đổi mới giáo dục đại học, phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

GS. Bùi Thiện Dụ nhấn mạnh: “Chúng ta đang đào tạo hệ thống những người bị động hoàn toàn, nói nặng như tôi là đào tạo “lính chì”, chỉ có “lính chì” mới đáp ứng được yêu cầu 3 chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đây đã thành một cố tật của xã hội ta, tức những người năng động, sáng tạo, tự chủ ở ta hơi khó sống. Đột phá trong thi cử tôi thấy còn dài dòng, nếu không sửa cái gốc hãy phát triển con người độc lập, tự do, sáng tạo. Chính cải cách giáo dục cũng là cuộc sống cạnh tranh trên thị trường”.

Đất nước đã hội nhập, người Việt Nam không thể tiếp tục thái độ đóng cửa “con hát mẹ khen hay”. Nền giáo dục hướng tới tương lai là làm sao có những công dân Việt Nam có khả năng làm việc ở các nước khác một cách chuyên nghiệp và sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao của nhân loại.

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu giáo dục, bà Đào Liên Hương, Tổng thư ký Liên đoàn Các hiệp hội Tư vấn giáo dục và ngôn ngữ thế giới, đã đề xuất: “Điều đầu tiên phải xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Mục đích là hàng năm đánh giá, xếp hạng các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Chính thức hóa các tiêu chí lựa chọn và xếp hạng - có thể nghiên cứu cách đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín như TUV, DIN, EU, QS… hoặc của Bộ Giáo dục một số nước, trong đó có thể học ngay Malaysia đang làm rất tốt điều này. Tốt nhất nên giao cho một tổ chức độc lập nằm ngoài Bộ Giáo dục - Đào tạo”.

Cuối năm ngoái, Đại học Quốc gia TPHCM đã đưa ra các nhóm chiến lược hoạt động năm 2014 với trọng tâm chất lượng đại học. Theo đó, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ nâng chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế với các đề án nâng cao năng lực quản lý đào tạo theo học tín chỉ, đổi mới dạy học tiếng Anh, đổi mới giáo trình, đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thực hiện các chiến lược để khẳng định vị thế của hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, phát triển nguồn lực tài chính đại học, nâng cao hiệu quả quản trị toàn hệ thống.

Các tin khác