Thị trường vàng - Đường tăng vẫn còn

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu leo thang cũng như khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng nghiêm trọng, giá vàng thế giới tuần qua tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục: 1.489USD/ounce. Các chuyên gia phân tích vàng trên thế giới dự đoán giá vàng còn nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu leo thang cũng như khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng nghiêm trọng, giá vàng thế giới tuần qua tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục: 1.489USD/ounce. Các chuyên gia phân tích vàng trên thế giới dự đoán giá vàng còn nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Áp lực lạm phát làm tăng giá vàng

 

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, tại thị trường New York, giá vàng giao tháng 6 tăng 13,6USD (+0,9%), lên 1.486USD/ounce; trong phiên có thời điểm giá lên tới 1.489USD/ounce - mức cao nhất trong lịch sử. Như vậy trong tuần qua giá vàng giao kỳ hạn đã tăng 0,8%, giá vàng giao ngay cũng phá bỏ kỷ lục ngày 15-4 là 1.478,5USD/ounce để xác lập mức kỷ lục mới 1.488,18USD/ounce.

Giá vàng thế giới leo thang kỷ lục do USD rớt xuống mức thấp nhất trong 10 tháng qua so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. Góp phần cho tình trạng này còn do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Hoa Kỳ tăng 0,5%, đặc biệt Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục trong một thời gian nữa.

Bên cạnh đó, lạm phát của Trung Quốc - một trong những quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - tiếp tục tăng trong tháng 3, dù Chính phủ nước này không ngừng nỗ lực giảm chi phí sinh hoạt của người dân. GDP quý I của Trung Quốc đạt 9,7%, trong khi CPI tháng 3 đã tăng tới 5,4% so với năm 2010.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng lạm phát cao là mối đe dọa nghiêm trọng làm xói mòn những thành quả đạt được từ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương (ECB) đã phải nâng mức lãi suất để đối phó với tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng cao. 

Giá vàng trong nước chờ chính sách

So với thời điểm này năm ngoái giá vàng hiện đã tăng 27%. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, giá vàng cũng luôn ở trong trạng thái tăng, dù có lúc giảm nhẹ để lấy đà tăng tiếp, do nhu cầu đầu tư vào vàng càng lớn. Cùng với đó, những lo ngại về các đồng tiền mạnh có thể giảm giá trị khi Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển liên tục có những biện pháp kích thích nền kinh tế nước mình.

Ngoài ra, những bất ổn ở Trung Đông và khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật Bản cũng góp phần hỗ trợ giá vàng. Theo ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối của GiadinhBank, USD có xu hướng mất giá và lạm phát cao tại Trung Quốc đang ủng hộ cho vàng với vai trò là mặt hàng đầu tư an toàn trong tuần tới.

Natalie Robertson, chiến lược gia hàng hóa Ngân hàng ANZ, cho rằng giá vàng có thể leo lên vùng 1.500USD/ounce vào cuối năm nay. Xu hướng tăng vẫn được duy trì trong ngắn hạn, đặc biệt khi lạm phát và giá dầu liên tục đi lên. Nhất là tình trạng lạm phát sẽ kích thích nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ sử dụng nhiều công cụ nhằm hạ nhiệt nền kinh tế, bao gồm yêu cầu nâng dự trữ đối với các ngân hàng, nâng mức lãi suất và tỷ giá NDT.

Philip Klapwijk, Chủ tịch Công ty nghiên cứu kim loại quý GFMS, cho rằng nếu giá vàng phá vỡ mốc 1.600USD/ounce trước khi kết thúc năm 2011 cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi có rất nhiều lý do để tin rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường vàng. Tuy nhiên, ông Philip Klapwijk cũng nhận định giá vàng hiện nay vẫn thấp hơn so với mức cao nhất trong lịch sử. Vào năm 1980, giá vàng giao dịch là 850USD/ounce, quy đổi tương đương sẽ ở mức 2.248USD/ounce vào năm 2010.

Giá vàng thế giới tăng nóng nhưng giá vàng trong nước chỉ tăng ở mức khiêm tốn, trên dưới 100.000 đồng/lượng vào cuối tuần qua. Vàng SJC của Công ty Vàng bạc-Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết với giá 37,12-37,19 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Lý giải về việc giá vàng trong nước ngược chiều với giá vàng thế giới, ông Nguyễn Công Tường, Phó Trưởng phòng kinh doanh SJC, cho biết động thái quản lý thị trường vàng của Chính phủ đã tác động đến tâm lý người dân và giới đầu cơ vàng. Những ngày qua thị trường vàng mất sóng do nhà đầu tư hạn chế mua vàng và chủ yếu bán ra.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc-Đá quý Phú Nhuận (PNJ), thời điểm này chính sách quản lý thị trường vàng vẫn chưa cụ thể nên nhà đầu tư vẫn có tâm lý chờ đợi. Giao dịch trên thị trường vàng lúc này chủ yếu là những người có nhu cầu mua vàng thực sự với số lượng nhỏ, không gây tác động đẩy giá vàng tăng cao. Tuy nhiên, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao, giá vàng trong nước có thể tăng theo.

Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước thời gian tới vẫn có xu hướng lình xình so với độ tăng nóng của giá vàng thế giới. Bởi lẽ, thông tin Chính phủ yêu cầu tiến tới chấm dứt huy động và cho vay vàng sẽ tác động nhiều đến người dân nắm giữ vàng để đầu tư theo hướng sẽ bán vàng lấy tiền đồng gửi tiết kiệm lãi suất cao.

Các NHTM cũng không còn mặn mà cho vay vàng trong thời gian tới nên chắc chắn cầu vàng trong nước sẽ giảm. Hơn nữa, việc NHNN quy định trần lãi suất huy động USD đối với khách hàng cá nhân không quá 3% sẽ tác động làm ổn định thị trường ngoại hối, thể hiện qua giá USD trên thị trường tự do cuối tuần qua có lúc thấp hơn giá USD trên thị trường chính thức.

Trước đây giá ngoại tệ có thể dẫn dắt giá vàng trong nước, nay thị trường ngoại tệ ảm đạm cũng có tác động mạnh đến thị trường vàng. Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến cáo khi còn chờ những chính sách cụ thể về quản lý thị trường vàng, nhà đầu tư nên cân nhắc khi quyết định đầu tư, do vẫn còn tiềm ẩn rủi ro.

Các tin khác