Sốt vàng và chính sách quản lý

Phần lớn vàng được nhập vào VN từ những năm trước, tại những thời điểm giá thấp hơn bây giờ nhiều. Xuất vàng từ tháng 5-2011 trở đi và nếu được phép xuất bây giờ, VN đang lời, người dân có vàng đang chốt lời!

Phần lớn vàng được nhập vào VN từ những năm trước, tại những thời điểm giá thấp hơn bây giờ nhiều. Xuất vàng từ tháng 5-2011 trở đi và nếu được phép xuất bây giờ, VN đang lời, người dân có vàng đang chốt lời!

Cảnh người dân chen nhau mua vàng không còn cho dù giá vẫn cao. Hiệu ứng giá càng cao càng mua đã mất tác dụng với vàng. Lúc này câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến người ta đổ xô đi mua vàng? Phải chăng chỉ là sự biến động thất thường của giá kim loại quý hiếm này? Hay đằng sau nó còn là một “cơn bão” tâm lý vàng? Và điều gì tạo nên cơn bão đó?

Chiều ngày 11-8-2011 giá vàng trong nước gần như ngang bằng với giá quốc tế. Nói là gần như vì nếu tính chi li, giá vàng bán ra ở trong nước vẫn cao hơn giá vàng ngoại khoảng 100.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch đó là chấp nhận được, đủ để cho các tổ chức nhập khẩu vàng có lời. Còn nhập vàng lậu hẳn nhiên là tự động thu hẹp, vì mức này không đủ bù đắp rủi ro quá lớn.

Sự hỗn loạn mua vàng đã xảy ra khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế có thời điểm đến 2 triệu đồng/lượng. Đó cũng là thời điểm lượng vàng mua vào của các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý chỉ bằng 10 – 20% lượng bán ra. Giá vàng “nhảy múa” từ sáng thứ hai 8-8, khi thị trường vàng trong nước bỗng nhiên trở thành một ốc đảo, cách ly hoàn toàn với thế giới vàng bên ngoài. Có năm yếu tố cùng lúc tác động lên thị trường vàng lúc ấy:

Thứ nhất vàng không thể nhập chính thức vì Ngân hàng Nhà nước chưa cấp quota (NHNN cấp hạn ngạch vào tối thứ hai).

Thứ hai vàng cũng không thể xuất vì thông tư mới của bộ Tài chính đã đánh thuế 10% lên nữ trang xuất khẩu có hàm lượng vàng từ 80% trở lên có hiệu lực từ ngày 6.8.2011.

Thứ ba vàng không được huy động cũng như cho vay.

Thứ tư Nhà nước không can thiệp bằng cách bán vàng ra.

Thứ năm thị trường vàng chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân. SJC là công ty 100% vốn nhà nước, nhưng sức điều tiết của SJC có hạn.

Trước đó một thời gian dài, giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá thế giới là do xuất khẩu vàng. Muốn xuất được vàng và có lời, những đơn vị xuất chỉ thâu gom với giá thấp hơn giá quốc tế. Đây là cửa duy nhất để vàng Việt Nam liên thông quốc tế.

Nay cửa này khép lại, cộng với sự gia tăng đột biến của giá vàng thế giới, những nhà đầu cơ đã không thể bỏ qua cơ hội đẩy giá vàng trong nước nhanh chóng vượt giá quốc tế và chênh lệch ở mức cao. Cung cầu vàng đang cân bằng, chỉ cần nguồn cung rút bớt một phần, cộng thêm giá tăng do giá quốc tế, cán cân ngay lập tức nghiêng sang cầu. Khi cầu vượt cung, lại được yếu tố tâm lý hỗ trợ, “cơn sốt” vàng hình thành và tăng nhiệt.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng việc áp thuế đối với xuất khẩu nữ trang có hàm lượng vàng 80% khiến cho khả năng liên thông giữa thị trường trong và ngoài nước bị tắc. Khi ban hành văn bản đó có lẽ Bộ Tài chính đã muốn ngăn chặn việc biến tướng xuất vàng nguyên liệu dưới dạng nữ trang, gây “chảy máu” vàng, hay nói cách khác là làm hao hụt lượng vàng trong nước.

Đâu đó còn có ý kiến Việt Nam xuất vàng lúc giá rẻ và nhập lúc giá đắt, thiệt hại cho quốc gia vì vàng của dân cũng là vàng của đất nước. Người ta đã quên rằng phần lớn vàng được nhập vào Việt Nam từ những năm trước, tại những thời điểm giá thấp hơn bây giờ nhiều. Từ đầu năm 2011 đến nay, Việt Nam hầu như không nhập vàng kể cả nhập lậu do giá vàng nội luôn thấp hơn vàng ngoại.

Vì thế xét cho cùng, xuất vàng từ tháng 5.2011 trở đi và nếu được phép xuất bây giờ, Việt Nam đang có lời, người dân có vàng đang chốt lời!

Liệu số lượng vàng xuất khẩu vừa qua đã quá lớn, làm cạn kiệt nguồn vàng trong dân? Theo thống kê của SJC, lượng vàng miếng mà công ty dập đã vượt mức 20 triệu lượng từ lâu. Cứ cho là vàng được quay vòng, được dập lại cả từ nguồn nữ trang trong nước, thì số vàng trong dân vẫn lên tới cả ngàn tấn.

Còn theo thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cơ quan quản lý ngành ngân hàng ước lượng vàng trong dân hiện giờ từ 300-500 tấn. Từ đầu năm chúng ta đã xuất chừng khoảng 40 tấn, làm sao có thể cạn kiệt vàng được?

Vàng trên thế giới không phải là thứ hàng hoá bình thường, nó là công cụ đầu cơ, nó nằm trong tay các quỹ đầu tư, nó mang trong mình ý nghĩa kinh tế và chính trị. Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng và vàng vẫn là một trong 3 phương tiện tích trữ của người dân cùng với tiền đồng, ngoại tệ, thì bắt buộc vàng phải liên thông với thị trường bên ngoài.

Khi chúng ta chủ trương không khuyến khích nhập khẩu vàng vì ngoại tệ còn thiếu, không có lý gì lại chặn luôn đầu ra là xuất khẩu vàng. Ai cũng hiểu với thuế suất 10%, vàng khó lòng xuất được, dù đó là vàng nữ trang thuần khiết!

Nói như thống đốc Nguyễn Văn Bình, vàng miếng có đầy đủ chức năng của một đồng tiền và thị trường vàng phải được quản lý như thị trường ngoại tệ. Trong khi chờ đợi chính sách mới về quản lý vàng, sự ổn định thị trường vàng, đảm bảo giá vàng trong và ngoài nước ngang nhau là cần thiết vì giá vàng đủ khả năng tác động đến tỷ giá hối đoái, vốn có tầm quan trọng sống còn đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

Các tin khác