“Sống chung” với biến động giá vàng

Thị trường vàng lại lên cơn “sốt”, có lúc tăng gần 39,8 triệu đồng/lượng. vàng không phải là một phương tiện thanh toán tại Việt Nam, vậy sự biến động về giá vàng có hệ lụy gì đến nền kinh tế? ĐTTC đã trao đổi với Th.s Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu (ACB), xoay quanh vấn đề này.

Thị trường vàng lại lên cơn “sốt”, có lúc tăng gần 39,8 triệu đồng/lượng. vàng không phải là một phương tiện thanh toán tại Việt Nam, vậy sự biến động về giá vàng có hệ lụy gì đến nền kinh tế? ĐTTC đã trao đổi với Th.s Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu (ACB), xoay quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào về nhiều ý kiến lo ngại việc xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang đang diễn ra ồ ạt?

Th.S TRẦN TRỌNG QUỐC KHANH: - Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, nhưng vì chưa liên thông nên tăng không tương ứng. Độ chênh lệch đó phần lớn do yếu tố chính sách tác động đến, dẫn đến nhu cầu xuất khẩu vàng. Trong bối cảnh hiện tại xuất khẩu vàng cần được xem xét và khuyến khích.

Bởi lẽ, các văn bản pháp lý (cụ thể là Nghị quyết 11 của Chính phủ nêu chủ trương sẽ tiến đến xóa bỏ vàng miếng trên thị trường tự do; NHNN ban hành Thông tư 11 không cho huy động và cho vay vàng; Dự thảo Nghị định quản lý vàng còn chờ góp ý, chỉnh sửa - thay cho Nghị định 174), cho thấy Nhà nước vẫn chưa có một kênh cụ thể cho người dân đầu tư vàng, dù thừa nhận vàng là tài sản hợp pháp.

Trong khi đó, Thông tư 184 của Bộ Tài chính quy định nếu muốn xuất khẩu vàng phải chịu thuế 10%. Bộ Tài chính hạn chế xuất khẩu vàng cũng nhằm giữ vàng trong nước, nhưng lại chưa mở ra một kênh đầu tư vàng cho dân. Để được hưởng thuế suất 0%, doanh nghiệp phải dùng kỹ thuật hạ tuổi vàng và trọng lượng vàng với chi phí tăng thêm gấp 20 lần.

Trong lúc Nhà nước đang chờ đợi Nghị định quản lý vàng mới và có thể tiến tới việc xây dựng Sở Giao dịch vàng tập trung, việc tái xuất khẩu vàng là một trong những giải pháp tạm thời có thể chấp nhận được. Nó sẽ giúp giảm thâm hụt mậu dịch, giảm áp lực về tỷ giá, tái tạo ngoại tệ đưa về phục vụ cho thanh toán quốc tế. Nhất là trong bối cảnh hiện tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vì lãi suất cho vay cao, nếu để vàng nằm trong dân với lãi suất 0% sẽ rất lãng phí.

- Theo ông làm sao ngăn được việc xuất vàng phi chính thức?

- Điều Nhà nước và người dân đang mong muốn là làm sao để giá vàng thế giới và giá trong nước liên thông với nhau. Để làm được điều này chính sách xuất nhập khẩu phải thông, tạo ra luồng dịch chuyển đi vào đi ra của vàng một cách chính thức, hợp pháp tại cửa khẩu. Nên hiểu rằng nếu dùng những biện pháp thuần túy hành chính về xuất nhập khẩu để tác động vào một thị trường vận động theo đúng quy luật cung cầu, sẽ không cho ra kết quả mang tín hiệu thị trường như mong muốn.

Tình trạng méo mó tất yếu xảy ra và khi đó việc giải quyết sự méo mó ấy cũng không thể bằng hành chính. Vàng lên hay xuống theo giá thế giới và điều này nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Giả sử nếu không tìm ra được một kênh xuất khẩu vàng chính thức, với giá chênh lệch từ 0,5-1 triệu đồng/lượng trở lên, làm sao ngăn được chuyện xuất vàng bằng con đường phi chính thức.

- Nền kinh tế đang trong bối cảnh khó khăn, sự biến động của giá vàng liệu có tác động thêm vào?

- Đất nước đã mở cửa hội nhập, chúng ta phải chấp nhận sự biến động của giá vàng thế giới chắc chắn sẽ tác động đến thị trường trong nước. Cụ thể, giá vàng tăng sẽ kéo theo tất cả nguyên vật liệu, chi phí trong ngành vàng bạc đá quý phải tăng. Mặc dù nước ta không đưa vàng vào rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhưng giá vàng tăng cũng sẽ tác động gián tiếp đến CPI.

Vì vậy phải có một giải pháp dự phòng, thích hợp để làm sao “sống chung bền vững” với biến động của giá vàng. Tuy nhiên, muốn “sống chung” với giá vàng, chính sách phải cởi mở và có tính thị trường. Không nên có khoảng cách quá xa giữa ý chí và người quản lý thị trường.

Có thể thấy ở những nước có nền kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng tiền cao nên không bị quá lệ thuộc vào vàng, việc giá vàng tăng không ảnh hưởng đến họ. Còn với những nước chưa sử dụng vốn một cách hiệu quả sẽ luôn phải đối diện với vấn đề điều hành một chính sách tiền tệ hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa hàng hóa và tiền, tạo ra lạm phát.

Đơn cử, hiện nay Trung Quốc đang có lạm phát, nên nước này khuyến khích người dân mua vàng như một sự chống đỡ sự suy yếu của nội tệ. Còn Ấn Độ ngày nay không chỉ mua vàng vào những dịp lễ cưới cuối năm mà còn mua vàng vào bất cứ thời điểm nào có thể. Tóm lại, hệ quả của giá vàng biến động là không thể tránh né. Là người hiểu giá trị vĩnh cửu của vàng, người dân và nhà đầu tư sẽ ít phải phân vân với câu hỏi “vàng đi đâu về đâu”.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác