Sáng 1-7: Giá vàng bất ngờ sụt mạnh

Giá vàng trong nước sáng nay 1-7 mất hơn 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua, giá USD ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm về gần hơn ngưỡng 20.600 đồng. Giá vàng quốc tế liên tục đi xuống trong phiên tại Hoa Kỳ và châu Á do lực mua phòng khủng hoảng suy yếu.

Lúc 10 giờ vàng miếng các thương hiệu có giá phổ biến trên 37,6 triệu đồng/lượng mua vào và xấp xỉ 37,7 triệu đồng/lượng bán ra. Cuối giờ chiều qua, các doanh nghiệp còn niêm yết giá vàng trên 37,8 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường TPHCM ở mức 37,64 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng SBJ của Công ty Sacombank-SBJ có giá thu mua là 37,65 triệu đồng/lượng, giá bán ra chỉ cao hơn giá thu mua 40.000 đồng/lượng, ở mức 37,69 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Công ty Phú Quý báo giá vàng SJC ở mức 37,62 triệu đồng/lượng và 37,69 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra). Công ty Bảo Tín Minh Châu áp dụng các mức giá tương ứng cho vàng Rồng Thăng Long là 37,61 triệu đồng/lượng và 37,69 triệu đồng/lượng.

Theo một số nhà kinh doanh vàng, giá vàng điều chỉnh giảm mạnh có thể sẽ khuyến khích hoạt động mua vàng của người dân, khi mà dự thảo nghị định quản lý thị trường vàng vẫn cho phép hoạt động mua bán vàng miếng.

Giá vàng trong nước được cho là khó điều chỉnh giảm sâu trừ phi giá vàng quốc tế giảm mạnh, vì tỷ giá USD/VND giờ ổn định và các áp lực giảm giá liên quan tới chính sách đối với vàng miếng giờ đã không còn lớn như thời gian trước. Thậm chí, vàng trong nước đang có xu hướng giảm giá chậm hơn vàng quốc tế mỗi khi giá vàng quốc tế giảm nhanh.

So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng trong nước sáng nay đứng cao hơn khoảng 400.000 đồng/lượng. Nếu người dân không tăng bán vàng ra thì khó có khả năng vàng trong nước rẻ hơn thế giới như hồi tháng 6, lãnh đạo một doanh nghiệp kim hoàn cho biết.

Giá USD ngân hàng thương mại hôm nay giảm ngày thứ tư liên tục. Vietcombank hạ giá mua và bán ngoại tệ này 10 đồng/USD, còn 20.540 đồng (mua vào) và 20.610 đồng (bán ra). Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn giữ ở mức 20.618 đồng.

Xu hướng từ đêm qua được giá vàng quốc tế duy trì trong phần lớn thời gian của phiên sáng nay tại châu Á, với sự xuất hiện chủ yếu của mức giá quanh 1.500USD/oz trên bảng giao dịch. Đến hơn 10 giờ (giờ Việt Nam), giá vàng tăng nhẹ trở lại, đứng trên 1.501USD/oz.

Đêm trước, giá vàng giao ngay chốt phiên New York ở mức 1.501,3USD/oz, thấp hơn 11,5USD/oz (0,8%) so với phiên liền trước.

Phiên sụt giá này của vàng là kết quả của việc Quốc hội Hy Lạp thông qua lần cuối các biện pháp thắt chặt chi tiêu - điều kiện để Athens nhận được viện trợ tài chính khẩn cấp và tránh thảm họa vỡ nợ công. Lực mua vàng phòng khủng hoảng đã suy yếu trước thông tin này.

Hôm qua cũng là ngày mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE2) trị giá 600 tỷ USD. Chương trình bơm tiền này của FED là một nhân tố quan trọng đẩy giá các loại hàng hóa cơ bản, trong đó có vàng và dầu thô, trên thế giới tăng cao từ cuối năm trước tới nay.

Tuần này có khả năng trở thành tuần mất giá tồi tệ nhất của vàng kể từ đầu tháng 5 tới nay. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vàng vẫn có khả năng tăng giá xa hơn trong dài hạn, vì tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Kinh tế Mỹ còn phục hồi yếu ớt, châu Âu vẫn chưa thực sự thoát khỏi gọng kìm khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi tiếp tục lo lạm phát.

Tính từ đầu tuần tới nay, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mới chỉ bán ròng 0,9 tấn vàng. Hiện quỹ này đang nắm 1.208,2 tấn vàng.

Tỷ giá EUR/USD tại thị trường Tokyo sáng nay phổ biến ở mức xấp xỉ 1,45USD đổi 1EUR, so với mức 1,44USD tương đương 1EUR vào sáng qua.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 tại New York lúc 10 giờ 30 (giờ Việt Nam) là 94,78USD/thùng, giảm 0,64USD/thùng so với giá đóng cửa hôm qua. Phiên cuối tháng 6, giá dầu chốt ở mức 95,42USD/thùng, tăng 0,65USD/thùng so với phiên trước đó.

Các tin khác