Phải tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng

Bởi thị trường vàng nước ta đang vận động và chịu sự ảnh hưởng của một vài doanh nghiệp đầu mối, thế nên yếu tố độc quyền và đầu cơ là khó tránh khỏi.

Bởi thị trường vàng nước ta đang vận động và chịu sự ảnh hưởng của một vài doanh nghiệp đầu mối, thế nên yếu tố độc quyền và đầu cơ là khó tránh khỏi.

 

Mặc dù giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng giá vàng trong nước vẫn không có nhiều biến động. Hệ quả là giá vàng trong nước đang bị đẩy lên cao hơn tới 4 triệu đồng/lượng

Hơn 10 tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho nhập khẩu vào nước ta để bình ổn thị trường kể từ cuối tháng 7 cho đến nay. Thế nhưng, giá vàng trong nước vẫn không ngừng biến động. Thậm chí, 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước còn bị đẩy lên cao hơn giá thế giới từ 1,5 - 4 triệu đồng mỗi lượng.

Theo đại diện của một đơn vị kinh doanh vàng, sở dĩ có hiện tượng chênh lệch giá như trên là do các doanh nghiệp hiện đang phải gánh 1 khoản “phí chờ” - nghĩa là chi phí chờ đợi để các doanh nghiệp được gia công vàng theo một thương hiệu dễ mua bán trên thị trường. Hiện mức phí chờ này đã lên đến hơn nửa triệu đồng mỗi lượng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng GĐ Tổng Công ty vàng Agribank cho biết: “Người dân chủ yếu mua vàng thương hiệu SJC, chiếm 85%, tuy nhiên năng lực sản xuất của SJC lại có hạn, các doanh nghiệp phải mất một mức phí chờ, mỗi ngày chỉ được gia công 300 lượng, mà 10 ngày mới xong. Vì vậy đã đội phí lên đến 600 nghìn/lượng”.

Cũng chính bởi thị trường vàng nước ta đang vận động và chịu sự ảnh hưởng của một vài doanh nghiệp đầu mối, thế nên yếu tố độc quyền và đầu cơ là khó tránh khỏi. Bởi chênh lệch giá càng cao, doanh nghiệp càng nhiều lợi nhuận.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Trúc: Việc đặt giá của các doanh nghiệp vàng chưa có ai quản lý, muốn đặt giá bao nhiêu thì đặt. Đấy là còn chưa kể đến việc, hơn 10 tấn vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu về nước ta, hiện đã được nhập đến đâu và bình ổn như thế nào…hiện vẫn chưa có cơ quan nào quản lý.

Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Kinh tế: “Rõ ràng là với cơ chế hiện nay, ngay cả khi đã được phép nhập khẩu vàng, đã được Nhà nước cấp quota thì các DN như vậy họ cũng không nhập ngay vàng vào, mà họ cân đối trong hoạt động của họ, tức là đặt mục tiêu cao nhất là lợi nhuận của DN lên hàng đầu, chứ không phải đặt mục tiêu là nhập khẩu vàng để bình ổn giá hay là giảm giá, hay là thu hẹp chênh lệch giá giữa giá vàng trong nước và thế giới. Đây rõ ràng là bài toán chúng ta phải nhìn thấy khi tồn tại cái cơ chế như hiện nay”.

Cũng theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, vàng là 1 loại tiền tệ đặc biệt. Do vậy, chúng ta cần có một đầu mối thống nhất, quản lý vàng giống như quản lý tiền tệ. Bên cạnh đó, phải tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, giải quyết được vấn đề liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới thì mới chấm dứt được những hiện tượng tiêu cực trên thị trường vàng như hiện nay.

Các tin khác