Nhìn lại "vũ điệu" của vàng năm 2011

Thị trường vàng Việt Nam năm 2011 đã trải qua rất nhiều biến động, để lại những dấu ấn khó phai mờ, cả những dấu ấn âu lo, những niềm vui bất chợt và sự hồ nghi e ngại đến tận những ngày cuối năm.

Thị trường vàng Việt Nam năm 2011 đã trải qua rất nhiều biến động, để lại những dấu ấn khó phai mờ, cả những dấu ấn âu lo, những niềm vui bất chợt và sự hồ nghi e ngại đến tận những ngày cuối năm. 

Trồi sụt giữa những kỷ lục giá cao ngất

Giá vàng trong nước khởi động ở mức 35,8 triệu đồng/lượng khi giá thế giới dao động nhẹ quanh 1.370 USD/ounce vào đầu năm 2011 sau khi đã xác lập kỷ lục cao nhất là 1.432 USD/ounce vào ngày 7-12-2010. Ngay sau khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tăng kỷ lục tới 9,3% vào ngày 11-2-2011 thì cỗ xe giá vàng bắt đầu bứt phá lên mức 36 triệu đồng lượng mặc dù giá vàng thế giới không ghi nhận biến động nào đáng kể.

Chỉ 1 tuần sau đó, giá vàng phá ngưỡng 37 triệu đồng/lượng do đôla “chợ đen” tăng vọt lên tới 22.000 đồng/USD và “cơn sốt vàng” xuất hiện sớm ngay trung tuần tháng 2-2011, chỉ 3 tháng sau cơn sốt ngày 11-11-2010, với giá vàng biến động liên tục, tăng mạnh vào buổi sáng, giảm nhẹ vào buổi trưa rồi lại tăng vào buổi chiều và ổn định đến cuối ngày.

Ngưỡng giá 37,5 triệu đồng/lượng bị phá cùng lúc với tỷ giá trên thị trường phi chính thức lên tới 22.250 đồng/USD và giá vàng thế giới ở mức 1.384 USD/ounce. Không dừng lại ở đó, ngày 19-2-2011, giá vàng lại vượt 38 triệu đồng/lượng rồi 38,5 triệu đồng/lượng do giá USD tự do lên 22.400 - 22.500 đồng/USD và giá vàng thế giới xấp xỉ 1.390 USD/ounce trước khi lên đến 1.400 USD/ounce vào ngày 21-2-2011.

Vòng xoáy giá vàng và giá USD được hỗ trợ bởi cú sốc tỷ giá khiến cho tâm lý đầu cơ và lo ngại đồng Việt Nam mất giá khi lạm phát dâng cao. Sau khi Chính phủ “đánh động” về khả năng cấm kinh doanh vàng miếng đồng thời siết chặt quản lý thị trường ngoại tệ tự do nhằm thực thi Nghị quyết 11/2011/NQ-CP thì thị trường vàng lập tức hạ sốt với giá vàng lùi về dưới 38 triệu đồng/lượng và giá USD tự do xoay quanh 22.000 đồng trong khi giá vàng thế giới vẫn bám trụ ở mốc 1.410 USD/ounce vào đầu tháng 3-2011.

Thậm chí, giá vàng trong nước còn diễn biến ngược chiều thế giới khi lui về mức 37-37,5 triệu đồng/lượng còn giá thế giới lại vọt lên 1.430-1.440 USD/ounce do tình hình căng thẳng tại Libya và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Hoa Kỳ.

Đến giữa tháng 3-2011, vàng thế giới đột ngột mất giá mạnh xuống dưới ngưỡng 1.400 USD/ounce do nhiều nhà đầu tư bán tháo kim loại quý để bù đắp tổn thất trên những thị trường khác như dầu thô, chứng khoán,... kéo theo giá vàng trong nước tụt xuống dưới 37 triệu đồng/lượng.

Đầu tháng 4-2011, do sự suy yếu của USD, khủng hoảng tài chính châu Âu, bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, lạm phát có xu hướng tăng nên giá vàng thế giới lại lập kỷ lục mới trên 1.460 USD/ounce, tạo cơ sở cho dự báo mốc 1.500 USD/ounce đã sắp đến, theo đó, giá vàng trong nước lại vượt qua mốc 37 triệu đồng/lượng.

Chỉ trong vòng vài ngày giữa tháng 4-2011, giá vàng thế giới liên tục xô đổ các ngưỡng cản 1.470 rồi 1.480 USD/ounce. Cơn sốt vàng trên thế giới không dừng lại khi ngưỡng cản dự báo 1.500 USD/ounce bị xô đổ ngày 20-4-2011 rồi mốc 1.550 USD/ounce cũng bị vượt qua 1 tháng sau đó. Theo đó, giá vàng tại Việt Nam lại vượt mốc 38 triệu đồng/lượng

Giữa tháng 7-2011, giá vàng lại vọt lên 38,6 triệu đồng/lượng khi giá thế giới xấp xỉ 1.570 USD/ounce. Ngày 14-7-2011, ngưỡng kỷ lục 39 triệu đồng/lượng chính thức bị phá khi giá vàng thế giới áp sát 1.600 USD/ounce rồi ngưỡng 39,5 triệu đồng/lượng cũng không trụ nổi vào ngày 19-7-2011.

Khi giá thế giới lập kỷ lục 1.624 USD/ounce thì giá trong nước cũng nhanh chóng tiệm cận rồi vượt qua mốc 40 triệu đồng/lượng ngày 25-7-2011. Sang đầu tháng 8-2011, giá vàng lên sát 41 triệu đồng/lượng khi vàng thế giới vượt qua 1.660 USD/ounce.

Sau cú sốc hạ mức tín nhiệm của Hoa Kỳ, giá vàng thế giới bùng nổ lên sát 1.700 USD/ounce và giá vàng Việt Nam tăng 3,5 triệu đồng mỗi lượng trong ngày 8/8/2011 lên tới 44,2 triệu đồng/lượng - cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng - rồi lại rơi về 43,2 triệu đồng/lượng ngay trong ngày. Sang ngày 9-8-2011, giá vàng lại lên sát 45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước sáng ngày 9-8 đã chạm ngưỡng 46 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới vượt mức 1.760 USD/oz. Cảnh tượng xếp hàng mua vàng lại tái diễn sáng nay trên “phố vàng” Trần Nhân Tông của Hà Nội. Giá vàng đầu giờ chiều 9/8 đã sụt mạnh về ngưỡng 45 triệu đồng/lượng sau khi NHNN công bố quyết định cho nhập 5 tấn vàng.

Chỉ trong 2 ngày 8 và 9-8-2011, giá vàng đã tăng “điên loạn” thêm gần 5 triệu đồng mỗi lượng, lặp lại kịch bản sốt giá vàng tháng 11/2009 và tháng 10-2010. Tuy nhiên, khác hẳn với các năm trước không chỉ về số cơn sốt vàng trong năm nhiều hơn hẳn mà những cơn sốt giá vàng năm 2011 còn kéo dài hơn và trầm trọng hơn rất nhiều.

Giá vàng trong nước sáng 19-8-2011 đã lập kỷ lục mới ở mức xấp xỉ 46,9 triệu đồng/lượng khi giá vàng quốc tế đạt đỉnh cao lịch sử gần 1.840 USD/oz.

Nỗi lo khủng hoảng nợ công của châu Âu và suy giảm tăng trưởng ở Mỹ đang “tiếp lửa” cho thị trường vàng quốc tế. Không dừng lại ở đó, ngày 23-8-2011, giá vàng thế giới vượt 1900 USD/ounce và giá vàng trong nước cũng vọt lên 48,6 triệu đồng/lượng rồi vượt 49 triệu đồng/lượng.

Sang ngày 24-8, giá vàng tuột dốc xuống 47,6 triệu đồng với mức giảm gần 1,5 triệu đồng một lượng do đà tuột dốc trên thị trường thế giới khi các nhà đầu tư ào ạt chốt lời với giá thế giới xuống sát 1.820 USD một ounce, mất gần 90 USD so với đỉnh cao.

Cuối tháng 9-2011, thị trường vàng Việt nam lại chứng kiến cảnh hỗn loạn đội mưa để bán vàng khi giá vàng lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng.

Đến cuối tháng 10-2011 giá vàng lại đột ngột đảo chiều lên 1.700 USD/ounce sau hơn một tháng dao động trong vùng 1.600 USD/ounce khiến cho vàng trong nước lại leo lên 45 triệu đồng/lượng.

Khép lại một năm biến động đầy kịch tính, giá vàng cuối năm 2011 dao động nhẹ quanh mốc 1.600 USD/ounce trên thị trường quốc tế và 43 triệu đồng/lượng trên thị trường Việt Nam.

Tính chung cả năm, giá vàng cuối năm 2011 tăng 24,09% so với cuối năm trước nhưng tính bình quân lại tăng tới 39%.

Khoảng cách chênh lệch quá lớn

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới không còn là chuyện mới ở Việt Nam song trong năm 2011 sự chênh lệch với mức độ cao này diễn ra triền miên chứ không còn giới hạn trong một vài lần sốt giá như những năm trước. Mức độ chênh lệch thường xuyên ở mức vài trăm ngàn đồng đến 1-2 triệu đồng một lượng, thậm chí có những thời gian con số này lên tới 4 triệu đồng.

Nguyên nhân cơ bản là: (i) cơ chế cấp quota nhập khẩu của NHNN Việt Nam khiến cho biến động giá vàng trong nước không ăn nhịp với biến động giá vàng thế giới; (ii) giá trên thế giới biến động quá lớn, có những lần tăng giảm tới 3-4% nên các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới để phòng ngừa rủi ro; (iii) tình trạng đầu cơ, cả đầu cơ giá lên và đầu cơ giá xuống làm cho biên độ biến động giá vàng trong nước rất lớn nhưng vẫn được thị trường chấp nhận;

(iv) tình trạng “hai tỷ giá” xuất hiện không chỉ giữa thị trường ngoại hối chính thức và phi chính thức mà còn xuất hiện ngay trong hệ thống NHTM đi đôi với những đợt căng thẳng cung cầu trên thị trường ngoại hối đã làm “méo mó” mối quan hệ giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế; (v) lạm phát cao, thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường BĐS đóng băng và hầu hết các kênh đầu tư tài sản khác gặp khó khăn đã dung dưỡng tâm lý đầu cơ tích trữ vàng bất chấp giá vàng trong nước cao một cách vô lý so với giá vàng quốc tế.

Bên cạnh đó, do giá vàng thế giới biến động rất bất thường trong xu thế liên tục tăng cao, giá vàng trong nước cũng liên tục đảo chiều, thậm chí giá niêm yết thay đổi tới hàng chục lần trong một ngày nên khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng cũng thường xuyên ở mức cao. Mức chênh lệch thông thường vài chục ngàn đồng một lượng khi thị trường tương đối ổn định trong thời gian ngắn thường xuyên bị đẩy lên tới vài trăm ngàn đồng khi thị trường liên tục biến động bất thường.

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2011 còn xuất hiện tình trạng chưa từng có trên thị trường vàng Việt Nam là sự chênh lệch giá giữa các loại vàng miếng trong nước. Cùng là vàng 9999, nhưng mỗi thương hiệu lại báo giá khác hẳn nhau, chênh lệch cả triệu đồng một lượng sau khi NHNN trình dự thảo mới về quản lý thị trường vàng lên Chính phủ.

Đáng chú ý là NHNN lại không có ý kiến công khai nào về hiện tượng hy hữu này mà phó mặc cho thị trường tự giải quyết nên có thể gây thiệt hại cho những người đang nắm giữ các loại vàng miếng không phải là SJC - loại vàng miếng duy nhất được NHNN chính thức công nhận từ ngày 25-11-2011.

Nợ… qui định về quản lý thị trường vàng

Ngay từ ngày 24-2-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà một trong 6 nhóm giải pháp được đưa ra là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; trong đó đề cập đến định hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong quý II-2011 phải trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Đến tận quý IV-2011, văn bản đó vẫn chỉ ở dạng dự thảo trình Chính phủ trong khi thị trường vàng trong nước và thế giới biến động rất mạnh hàng ngày, thậm chí hàng giờ.

NHNN đã chuyển sang năm 2012 món nợ về một khuôn khổ pháp lý để quản lý thị trường vàng nhằm: (i) tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế; (ii) tạo lập thị trường vàng miếng trong nước vận hành theo cơ chế thị trường tiền tệ đặc biệt; (iii) khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hàng trăm tấn vàng trị giá hàng chục tỷ USD đang tích trữ trong dân.

Thay vào đó, để đối phó với biến động thị trường, NHNN lại có “sáng kiến” bán vàng bình ổn khi cho phép 5 ngân hàng gồm ACB, Sacombank, Eximbank, Đông Á, Techcombank và SJC từ 6-10-2011 được phép bán ra số vàng đã huy động từ dân cư để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết, đồng thời được mở tài khoản giao dịch vàng với nước ngoài.

Ngay trong ngày đầu tiên các ngân hàng đã bán ra tới 4 tấn vàng và tổng cộng khoảng 30 tấn vàng đã được bán (tương đương 800.000 lượng, trị giá hơn 35.000 tỷ đồng) trong hơn 1 tháng “bình ổn giá” vàng này.

Tuy nhiên, mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới về mức 400.000 đồng/lượng vẫn không thể thực hiện được và chương trình bình ổn giá vàng chấm dứt vào cuối năm 2011.

Các tin khác