Ngày 23-5: Giá vàng vẫn lình xình

Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, giá vàng quốc tế sáng nay 23-5 diễn biến theo chiều hướng giảm, khiến giá vàng trong nước lình xình trên ngưỡng 37,5 triệu đồng/lượng.

Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, giá vàng quốc tế sáng nay 23-5 diễn biến theo chiều hướng giảm, khiến giá vàng trong nước lình xình trên ngưỡng 37,5 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giới phân tích dự báo, vàng thế giới có nhiều khả năng tăng giá trong tuần này vì đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý quan trọng 1.500USD/oz.

Lúc 9 giờ 15 sáng 23-5, Công ty Phú Quý tại thị trường Hà Nội niêm yết giá vàng SJC ở mức 37,41 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,51 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng thứ bảy tuần rồi, giá vàng tại doanh nghiệp này và các công ty kim hoàn lớn khác hầu như không có nhiều thay đổi.

Tại thị trường TPHCM, Công ty Sacombank-SBJ báo giá vàng miếng hiệu SBJ ở mức 37,41 triệu đồng/lượng và 37,49 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Phiên tăng giá 1,3% của giá vàng thế giới vào phiên thứ sáu tuần trước đã không có tác động lớn tới giá vàng trong nước. Những yếu tố trong nước như giao dịch vàng miếng chậm và tỷ giá USD/VNĐ bình ổn đang khiến giá vàng “nội” ít nhiều lạc điệu với diễn biến của giá vàng quốc tế.

Trong tuần trước, giá vàng trong nước đã trở nên rẻ hơn giá vàng thế giới và hiện đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 350.000 đồng mỗi lượng. Ở một số thời điểm, giá vàng trong nước giảm nhanh hơn, tăng nhanh hơn, hoặc “thờ ơ” trước sự thay đổi của giá vàng thế giới.

Hiện tại, vàng không phải là một kênh đầu tư nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước. Thay vào đó, mức lãi suất tiết kiệm VNĐ cao cùng các biện pháp kiểm soát chặt hơn đối với thị trường vàng đã hút mất một lượng vốn lẽ ra có thể đã đổ vào vàng. Tuy vậy, so với thời điểm đầu năm, giá vàng hiện đã tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá USD/VNĐ do các NHTM niêm yết sáng nay 23-5 đi xuống. Ngân hàng Vietcombank giảm giá 30 đồng ở cả chiều mua lẫn chiều bán ngoại tệ này so với thứ sáu tuần trước, còn 20.670 đồng/USD (mua vào) và 20.770 đồng/USD (bán ra). Trong khi đó, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng tiếp tục được NHNN giữ ổn định ở mức 20.673 đồng/USD suốt khoảng 1 tuần nay.

Lực bán chốt lời của giới đầu tư tại khu vực châu Á đã kéo giá vàng quốc tế đi xuống trong sáng đầu tuần. Lúc 9 giờ 45 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên bảng giá trực tuyến Kitco.com còn 1.510,1USD/oz, giảm 4,4USD/oz so với mức chốt phiên liền trước tại thị trường New York. Trước đó, vào đầu phiên giao dịch, giá vàng đã có thời điểm tăng lên ngưỡng 1.518USD/oz, cao nhất trong nửa tháng qua, khi nối tiếp đà tăng của phiên trước đó.

Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu đang có chiều hướng xấu đi. Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings vừa cắt giảm 3 bậc điểm tín nhiệm nợ công của Hy Lạp, trong khi S&P cảnh báo có thể hạ điểm tín nhiệm của Italy. Hy Lạp vẫn đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia, cho dù đã được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu.

Nhu cầu vàng của khu vực châu Á cũng đang là một nhân tố quan trọng nâng đỡ giá kim loại quý này. Người Trung Quốc trong đầu năm nay đã tích cực mua vàng để phòng lạm phát. Trong khi đó, nhu cầu vàng nữ trang của Ấn Độ được hãng bán lẻ nữ trang lớn nhất nước này là Gitanjali Gems dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2011.

Tại Hoa Kỳ gói nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang (FED) sắp đi đến hồi kết, khiến giới đầu tư ít nhiều lo ngại về tác động bất lợi tới đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khả năng FED còn duy trì lãi suất USD thấp sẽ có lợi cho giá vàng.

Mặt khác, về phương diện kỹ thuật, một khi đã tái chinh phục ngưỡng cản tâm lý 1.500USD/oz, giá vàng sẽ tiến xa hơn.

EUR sáng nay trượt giá khá mạnh so với USD, còn 1,4USD đổi 1EUR, từ mức 1,41USD tương đương 1 EUR vào cuối tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 cũng đi xuống, còn hơn 99USD/thùng, từ mức hơn 100USD/thùng.

Các tin khác