Lượng kiều hối của các nước đang phát triển sẽ giảm mạnh do COVID-19

(ĐTTCO)-Ngân hàng Thế giới nhận định lượng kiều hối trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 20% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây.
Đồng tiền USD tại Washington D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đồng tiền USD tại Washington D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 22/4 cho biết các nước đang phát triển đang mất đi một nguồn thu quan trọng, khi các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến lượng kiều hối giảm mạnh.

WB nhận định lượng kiều hối trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 20% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất trong lịch sử gần đây, do việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động gây ra tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và mất việc làm khiến người lao động ở nước ngoài không thể gửi tiền về nhà.

Tổng số kiều hối trong năm 2020 dự kiến sẽ giảm xuống còn 440 tỷ USD, từ mức 554 tỷ USD năm 2019.

Theo báo cáo của WB, dòng kiều hối dự kiến sẽ giảm mạnh ở châu Âu và Trung Á (27,5%), tiếp theo là khu vực châu Phi cận Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Phi (19,6%), Mỹ Latinh và Caribe (19,3%), và Đông Á và Thái Bình Dương (13%).

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass cho biết kiều hối là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các nước đang phát triển và suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng kiều hối, vì vậy điều quan trọng hiện nay là nỗ lực rút ngắn thời gian phục hồi cho các nền kinh tế phát triển.

Tuy vậy, kiều hối thậm chí còn trở thành một nguồn thu nhập quan trọng hơn trước đây đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình "vì đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn (ước giảm trên 35%)".

Tại một số nước như Nam Sudan, Haiti, Nepal, Cộng hòa Slovakia, Tajikistan, lượng kiều hối do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về chiếm tới 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay thậm chí 33% GDP.

Ông Dilip Ratha, chuyên gia kinh tế hàng đầu phụ trách thực hiện báo cáo nói trên, cho biết các khoản kiều hối đóng vai trò là "phao cứu sinh” và là một cách thức “chia sẻ sự thịnh vượng" với các hộ gia đình tiếp nhận kiều hối.

Theo ông Ratha, sự sụt giảm của dòng kiều hối nói trên là chưa từng xảy ra và tình trạng di cư cũng có thể giảm do khủng hoảng hiện nay.

Theo báo cáo của WB, những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 được cho là sẽ gây ra tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng trong năm 2020 và có nhiều nguy cơ kéo dài sang năm 2021.

Các lao động nhập cư đặc biệt dễ bị mất việc làm và thu nhập vì họ có xu hướng tập trung ở khu vực đô thị và làm việc trong các ngành dịch vụ như bán lẻ, bán buôn, du lịch... vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng kinh tế đình trệ.

Báo cáo của WB cũng cảnh báo những lao động di cư đang bị loại khỏi các chương trình mà chính phủ các nước đã triển khai để ứng phó dịch COVID-19, bao gồm cả việc tiếp cận với dịch vụ y tế và cũng không thể hồi hương do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.

Các tin khác