Lo vàng đổ sang USD

Sau cơn co giật của giá vàng với biên độ mạnh, giá USD trong nước đã tăng bật trở lại sau một thời gian duy trì ở mức thấp. Điều đáng nói, sự sụt giảm mạnh trở lại của giá vàng thế giới và trong nước 2 ngày qua cũng lại là cơ hội cho giá USD tiếp theo đà tăng.

Sau cơn co giật của giá vàng với biên độ mạnh, giá USD trong nước đã tăng bật trở lại sau một thời gian duy trì ở mức thấp. Điều đáng nói, sự sụt giảm mạnh trở lại của giá vàng thế giới và trong nước 2 ngày qua cũng lại là cơ hội cho giá USD tiếp theo đà tăng.

Tỷ giá vượt 21.000 đồng

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ngày 24-8, tỷ giá bình quân liên NH giữa USD với VNĐ do NHNN công bố bất ngờ tăng khá mạnh, thêm 10 đồng, lên 20.628 đồng/USD. Đây là lần thứ hai trong gần 2 tháng qua tỷ giá này được điều chỉnh; lần trước tăng từ 20.608 đồng lên 20.618 đồng/USD. Các NHTM cũng lập tức nâng giá mua bán USD lên kịch trần biên độ cho phép.

Các NH lớn như Vietcombank, Eximbank, ACB, Đông Á đều niêm yết giá mua USD chuyển khoản 20.830 đồng và giá bán 20.834 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD chiều qua 24-8 đã chạm mốc 21.000 đồng. Một số điểm thu đổi ngoại tệ ở quận 1, TPHCM chào bán với giá 21.020 đồng/USD, trong khi mua vào 21.000 đồng/USD.

Có nơi giá mua vào thấp hơn, chỉ khoảng 20.990 đồng nhưng bán ra tới 21.030 đồng/USD. Giá USD tăng mạnh trong những ngày gần đây ngoài nguyên nhân giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới, còn do việc NHNN cho phép nhập vàng nhằm kéo giá trong nước sát với thế giới.

Hiện nay các NHTM được cấp quota nhập vàng đang lo gom USD, cùng với việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn còn cao, đã khiến giá USD bị đẩy lên. Hiện tại, thanh khoản ngoại tệ ở các NHTM vẫn ổn, nhưng nếu giá vàng tiếp tục tăng sẽ gây áp lực lên tỷ giá vì nước ta cần phải nhập vàng.

Bên cạnh đó, kết hợp với yếu tố nhu cầu USD của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm để thanh toán với nước ngoài và đáo hạn các khoản vay ngoại tệ, áp lực lên tỷ giá sẽ càng tăng. 

Có đáng lo?

Có thể thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, các NHTM liên tục duy trì trạng thái giá USD bán ra kịch trần biên độ cho phép. Như vậy, những ngày này thị trường ngoại hối đang chứng kiến cuộc bám đuổi quyết liệt giữa giá USD bán ra của các NHTM với mức trần biên độ cho phép, cũng như giữa giá mua vào với giá bán ra.

Liệu sự căng thẳng ngoại tệ có lặp lại như thời điểm tháng 10 năm ngoái? Theo phân tích của NHNN, cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD; cán cân thanh toán thương mại cũng được cải thiện. NHNN cho biết dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống.

Dù tín dụng ngoại tệ tăng khá cao (đến ngày 15-8 tăng khoảng 24%) nhưng ở các TCTD vẫn có thặng dư 3-5 tỷ USD từ nay đến cuối năm, nên thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo. Vì vậy, NHNN cho rằng hoàn toàn có cơ sở để ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Hoa Kỳ đang sử dụng chính sách USD yếu nên bơm tiền tràn lan. Do vậy, thanh khoản USD không thiếu nhưng giá trị USD đang suy giảm. Nếu tính theo PPP (phương pháp xác định tỷ giá theo ngang bằng sức mua), hiện tại VNĐ đang được định giá quá cao so với USD khoảng 43%. Nếu phải điều chỉnh tỷ giá, VNĐ cần phải điều chỉnh giảm giá thêm 43%.

Nhưng theo cách tính với 19 đồng tiền có quan hệ thương mại với Việt Nam (với tổng doanh thu khoảng 86% xuất nhập khẩu của Việt Nam) thì tỷ lệ VNĐ phải phá giá so với USD chỉ khoảng 23% (chưa tính đến việc USD đang bị mất giá so với nhiều đồng tiền khác trong rổ tính toán này).

Như vậy, VNĐ đang được định giá cao hơn USD 17-23%. Vì định giá cao hơn giá trị thực dễ dẫn đến hệ quả nhập siêu gia tăng. Những tháng đầu năm nước ta xuất siêu, đóng góp trong đó chủ yếu từ xuất vàng.

Thời điểm này cho nhập vàng trong bối cảnh giá vàng cao hơn đầu năm và tỷ giá đang có xu hướng tăng, nước ta đang bị thiệt kép.  

Lo ngại tỷ giá cuối năm có thể biến động, nhiều NHTM đã bắt đầu hãm phanh cho vay USD. Ông Cao Sinh Tăng, phụ trách bộ phận Treasury phía Nam của MB, cho biết các NHTM đã hạn chế cho vay USD, chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn ngoại tệ trả nợ.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, NH khuyến khích vay tiền đồng để mua USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chuộng vay USD vì so với lãi suất vay tiền đồng, vay USD vẫn rẻ hơn. Một phó tổng giám đốc ACB cho biết sở dĩ tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ vẫn cao vì các doanh nghiệp dự báo mức biến động tỷ giá từ nay đến đầu năm sau sẽ không quá 5%.

Cộng cả mức biến động tỷ giá và lãi suất cho vay USD 7-8%/năm, các doanh nghiệp vay USD vẫn lợi hơn ít nhất 5-7%/năm. Vì vậy, thời điểm này muốn hạn chế cho vay ngoại tệ các NHTM buộc phải kéo giảm lãi suất cho vay tiền đồng xuống 17-18,5%/năm.

Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng ở một số ít khách hàng đặc biệt, còn mặt bằng cho vay tiền đồng hiện nay vẫn phổ biến 19,5-20%/năm.

Các tin khác