Lấp lánh giá vàng

(ĐTTCO)-Mở cửa phiên giao dịch tuần đầu tiên của năm 2020, giá vàng tại thị trường châu Á bất ngờ tăng thêm gần 40USD/ounce so với giá đóng cửa hôm thứ 6 ngày 3-1, tiến sát mốc 1.600USD/ounce, đẩy giá trong nước lên 44 triệu/lượng. Nguyên nhân được cho do bất ổn tại khu vực Trung Đông, nhưng thực tế lý do sâu xa đã có từ trước.
Lấp lánh giá vàng
Yếu tố thúc đẩy giá tăng
Sau 8 năm lặng sóng, tính từ năm 2011, giá vàng bắt đầu vào chu kỳ tăng từ cuối 2018 và đã đạt đỉnh 6 năm vào năm 2019. Đầu năm 2020, giá vàng bất ngờ vượt luôn đỉnh 6 năm trong phiên giao dịch ngày 6-1.
Lý do của đợt tăng này được cho đến từ những căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Nhưng thực tế sự kiện này như “giọt nước làm tràn ly” bởi vàng đang chứa đựng những yếu tố tăng giá từ trước đó.
Nếu tính tương quan với USD (thông qua chỉ số USD Index), giá vàng hiện tại đã chạm mốc cao nhất mọi thời đại do USD (đồng tiền định giá vàng) đã tăng từ 72 điểm lên hơn 96 điểm. Giá cao nhất lịch sử là ngày 6-9-2011 đạt 1.921USD/ounce và giá trong nước 49,3 triệu/lượng.
Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá vàng chính là dòng tiền đổ vào vàng rất mạnh mẽ. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương (NHTW) đã bắt đầu tăng cường mua vàng, thậm chí đã có động thái từ trước đó.
Năm 2019, những quốc gia hiếm khi đụng đến vàng như Ecuador cũng lần đầu tiên tăng dự trữ vàng; hay Ba Lan, Kazakhstan, Qatar và Columbia cũng mua thêm số lượng vàng đáng kể. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga là các nước mua vàng nhiều nhất 2 năm qua.
Theo WGC và Capital Economics, cả năm 2019 các NHTW đã mua 675-725 tấn vàng (mức cao nhất 60 năm). Bên cạnh đó các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETF dự đoán đang nắm giữ 2.900 tấn vàng (mức cao nhất lịch sử mọi thời đại).
Họ cũng đã mua tới gần 370 tấn trong 3 quý đầu năm 2019. Cần lưu ý, trước đây chủ yếu chỉ có các quỹ đầu tư cũng như các định chế tài chính Bắc Mỹ nắm giữ tài sản có tỷ trọng lớn là vàng, nhưng từ 2 năm qua ngay cả các tổ chức trên ở các khu vực Mỹ Latin, châu Âu, châu Á và cả châu Phi đều gia tăng mua vào. 
Đáng chú ý, tất cả đều không hề có ý định bán vàng ra. Báo cáo khảo sát của các NHTW từ WGC cũng cho thấy đa số NHTW không có kế hoạch bán ra trong 5 năm tới. Báo cáo mới đây của UBS và Palm Beach Investment (tập đoàn chuyên quản lý tài sản cho các gia đình giàu có), cũng cho thấy các hộ gia đình giàu có gia tăng tỷ trọng giữ tiền mặt hoặc đổ vào các kênh đầu tư đầu tư an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ. 

Thu hút dòng tiền đổ vào
2019 dù là một năm tích cực của hầu hết thị trường, khi chứng khoán, vàng, dầu, bitcoin, ngoại hối đều tăng giá. Nhưng theo Fobers, số lượng tỷ phú thế giới giảm hơn 50 người so với 2018.
Ngay cả các tỷ phú thế giới cũng cảm nhận rõ điều này khi hàng loạt tỷ phú rời khỏi danh sách. Tỷ phú Jack Ma nói có thời điểm trong ngày ông nhận được 5 cuộc điện thoại từ bạn bè hỏi mượn tiền và nhiều doanh nhân bạn ông cố gắng bán tài sản trả nợ.
Báo cáo từ công ty chuyên theo dõi sự nghiệp từ Challenger, Gray & Christmas, năm 2019 có gần 1.500 CEO đã rời ghế lãnh đạo (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi công ty này bắt đầu lập dữ liệu từ năm 2002. Số liệu thống kê này cho thấy năm 2019 không dễ dàng khiến dòng tiền cần nơi tránh bão và vàng là một trong các lựa chọn. 
Ngoài ra, các NHTW trong năm 2019 đã có tới hơn 140 lần hạ lãi suất. Về lý thuyết, việc hạ lãi suất là điều tốt khi kích cầu thúc đẩy kinh tế. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, động thái hạ lãi suất có khả năng trở thành chiến tranh tiền tệ, khi các NHTW chạy đua để hạ thấp lãi suất hơn nữa nhằm có lợi trong cuộc chiến thương mại.
Nếu lãi suất ở mức cao 5-10%, việc hạ lãi suất sẽ mang ý nghĩa tích cực, nhưng lãi suất hiện nay tại nhiều khu vực như châu Âu, Nhật Bản đang ở mức âm, hay tiệm cận 0% như Mỹ, Anh sẽ là tiêu cực.
Hiện có hơn 16.000 tỷ USD trái phiếu mang lợi suất âm, chiếm khoảng 1/4 khoản nợ cấp đầu tư được theo dõi qua Chỉ số Tổng hợp toàn cầu của Bloomberg Barclays. Đây là tin xấu thật sự, bởi lý thuyết cơ bản của vay nợ là người đi vay phải trả lãi người cho vay đã bị đảo ngược. Không ai kinh doanh mà không cần lãi trong khoảng thời gian lâu như thế.
Do đó việc các NHTW hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ đã làm nợ công toàn cầu tăng vượt 70.000 tỷ USD trong năm qua, trong đó Mỹ chiếm 1/3, đã đẩy nợ thế giới lên sát 260.000 tỷ USD (gấp 3 lần trong 20 năm qua), trong khi kinh tế thế giới đang đà giảm tốc. Nghĩa là, hiệu quả của việc nới lỏng tiền tệ quá thấp trong khi in tiền, khiến cả thế giới đang đi trên “con đường nợ nần đầy giấy - tiền”.
Chính vì thế, các NHTW, định chế tài chính mua vàng vào để cân đối lại “lượng giấy” giá rẻ đang tràn ngập, đã góp phần thúc đẩy giá vàng.

Vẫn khó lướt sóng
 Giá vàng đã im hơi lặng tiếng quá lâu nên cơ hội tăng giá cũng nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh bất động sản, chứng khoán đã tăng quá nhiều và có hiện tượng bong bóng, việc nắm giữ vàng mang lại cảm giác yên tâm nên vàng đã thu hút được dòng tiền.
Về thị trường vàng trong nước, dù bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng giá thế giới vẫn là chủ đạo ảnh hưởng đến giá trong nước. Tuy vậy, đầu tư vào vàng sẽ khó có lợi trong ngắn hạn, khi chính sách vàng hiện nay đang rất tốt, nhà đầu tư mua vàng gửi sẽ không có lãi còn phải trả phí cho ngân hàng.
Thêm vào đó, giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá và chính sách vàng. Nếu 2 điều này có biến động sẽ làm nhà đầu tư khó có lời. Ngoài ra, chênh lệch giá mua bán vàng được đẩy lên cực cao mỗi khi có biến động, nên nhà đầu tư nắm giữ vàng ngắn hạn sẽ gặp rủi ro lớn. 
Vì những yếu tố trên, trong năm 2019 dù giá thế giới tăng mạnh mẽ đẩy giá trong nước lên cao, nhưng không có hiện tượng xếp hàng mang bao tải tiền mua vàng như các năm trước.
Thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới, điều hiếm hoi có được trong rất nhiều năm qua. Bởi lẽ nhu cầu vàng trong nước thấp hơn, cũng như độ hấp dẫn của vàng kém đi nhờ chính sách hạn chế đầu cơ găm giữ vàng mà hướng dòng tiền chảy vào kinh tế. 

Các tin khác