Giá vàng lên mức cao nhất hơn ba tuần qua, giá dầu quay đầu giảm

(ĐTTCO)-Giá vàng giao ngay tăng 2,3% lên 1.653,35 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/3 là 1.655,69 USD/ounce; trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm xuống còn 26,08 USD/thùng.
Giá vàng lên mức cao nhất hơn ba tuần qua, giá dầu quay đầu giảm

Trong phiên giao dịch 6/4, giá vàng thế giới tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong hơn ba tuần qua, trước những đồn đoán về các biện pháp kích thích toàn cầu nhằm ứng phó với thiệt hại kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Vào lúc 0 giờ 49 phút ngày 7/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 2,3% lên 1.653,35 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/3 là 1.655,69 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 2,9% và khép phiên ở mức 1.693,90 USD/ounce.

Theo số liệu của hãng tin Reuters, dịch COVID-19 đã khiến hơn 1,25 triệu người lây nhiễn trên toàn thế giới, với hơn 68.400 ca tử vong.

Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đã công bố hàng loạt biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ chưa từng có, cũng như đưa ra các hình thức hỗ trợ khác cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Phil Streible, trưởng bộ phần chiến lược thị trường của công ty Blue Line Futures ở Chicago, cho rằng số lượng các biện pháp kích thích khổng lồ đang làm các đồng tiền giảm giá mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.

Phiên này, đồng USD chững lại so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác, nhưng lại tiếp tục tăng so với đồng yen, khi số ca tử vong do dịch COVID-19 tại châu Âu đã chậm lại, trong khi tại Nhật Bản và các nước khác ở châu Á lại có dấu hiệu tăng lên.

Phản ánh tâm lý của giới đầu tư, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,7% lên 978,99 tấn trong phiên cuối tuần trước, mức cao nhất trong hơn ba năm qua.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1,9% lên 734,02 USD/ounce, trong khi giá bạc tăng 3,3% và được giao dịch ở mức 14,86 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 10 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,10-48,12 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

[Giới phân tích nhận định đà đi lên của giá vàng có thể bị hạn chế]

Trong khi đó, giá dầu thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 6/4, sau khi ghi nhận đà tăng trong tuần trước, giữa lúc Saudi Arabia và Nga tạm hoãn cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt ngằm giải quyết tình trạng dư cung đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 2,26 USD (8%), xuống 26,08 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 1,06 USD (3,1%), xuống 33,05 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đã phục hồi hơn 35% vào tuần trước, sau khi các nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, cho biết họ đang tiến gần tới một thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu, dù cho họ muốn thỏa thuận này có sự tham gia của Mỹ và một số nước khác.

Tuy nhiên, cuộc họp của nhóm OPEC+, dự kiến ban đầu diễn ra vào ngày 6/4, đã bị trì hoãn đến ngày 9/4, khi bất đồng giữa Nga và Saudi Arabia từ tháng trước dẫn tới sự sụp đổ của một thỏa thuận cắt giảm sản lượng vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu đã giảm khoảng 30% do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Giá dầu WTI của Mỹ giảm mạnh hơn so với dầu Brent sau khi báo cáo từ nhà cung cấp dữ liệu Genscape cho thấy, lượng dầu tồn kho tại trung tâm lưu trữ Cushing ở Oklahoma tăng khoảng 5,8 triệu thùng vào tuần trước.

Nếu những số liệu này khớp với dữ liệu chính thức của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự kiến công bố ngày 8/4, thì đây sẽ là tuần thứ năm liên tiếp lượng dầu thô tồn kho tại Cushing gia tăng và là mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ năm 2004.

OPEC+ đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 10% nguồn cung thế giới, hoặc 10 triệu thùng/ngày, song các quốc gia thành viên muốn đó là nỗ lực toàn cầu, có sự chung tay của một số quốc gia thường không hạn chế nguồn cung, đặc biệt là Mỹ.

Các tin khác