“Dội chợ” USD

Bắt đầu từ tháng 5-2011, Thông tư 07 của NHNN về việc siết chặt cho vay ngoại tệ của các NHTM có hiệu lực. Điều này đánh thêm một đòn đẩy giá USD trên thị trường chính thức và tự do tiếp tục lao dốc. Nhiều NHTM đã có dấu hiệu “bội thực” USD khi cung USD trên thị trường nhiều hơn cầu.

Bắt đầu từ tháng 5-2011, Thông tư 07 của NHNN về việc siết chặt cho vay ngoại tệ của các NHTM có hiệu lực. Điều này đánh thêm một đòn đẩy giá USD trên thị trường chính thức và tự do tiếp tục lao dốc. Nhiều NHTM đã có dấu hiệu “bội thực” USD khi cung USD trên thị trường nhiều hơn cầu.

Thấp hơn giá sàn

Ngày 11-5, NHNN tiếp tục hạ tỷ giá bình quân liên NH xuống 20.698 đồng/USD, từ mức 20.703 đồng/USD của ngày 10-5. Với mức giảm 5 đồng/USD, tỷ giá liên NH đã xuống thấp nhất kể từ ngày 29-4-2011. Trong khi đó, các NHTM tiếp tục niêm yết giá USD thấp hơn tỷ giá bình quân liên NH, một việc chưa từng diễn ra. Cụ thể, tại Eximbank, USD được niêm yết giá mua vào 20.540 đồng/USD và bán ra 20.645 đồng/USD. Tại ACB, giá mua vào 20.530 đồng/USD và bán ra 20.650 đồng/USD. Tại VCB, niêm yết giá 20.570 đồng/USD (mua vào) và 20.650 đồng/USD (bán ra). Như vậy, việc USD tại NH được giao dịch thấp hơn tỷ giá liên NH đã kéo dài nhiều ngày nay và khoảng cách này hiện dao động quanh ngưỡng 40-50 đồng/USD.

Giải thích việc các NHTM ngại giữ trạng thái dương ngoại tệ cao, ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietABank, cho biết các NH niêm yết giá USD thấp vì nguồn cung USD từ doanh nghiệp và người dân tăng lên khi NHNN hạ lãi suất huy động xuống 3%/năm đối với khách hàng cá nhân, đồng thời yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán USD cho NH. Chi phí huy động vốn bằng VNĐ của nhiều NHTM hiện nay rất cao 18-21%/năm, nếu mua USD nhiều trong khi bán ra không dễ do doanh nghiệp mua USD cũng có thời vụ, NH sẽ lỗ.

Thực tế hiện nay NHNN gần như không bơm tiền đồng ra mua USD vì e ngại tác động đến lạm phát. Chỉ những NH có lượng chuyển kiều hối về nhiều mới mạnh dạn mua USD để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ mặt của khách hàng. Theo một lãnh đạo của DongABank, lượng USD các NH mua của người dân tăng 300-400% so với trước đây, trong khi nhu cầu mua USD của doanh nghiệp không có dấu hiệu tăng. Do tác động của lạm phát, nhiều mặt hàng bán chậm, tồn kho nhiều nên doanh nghiệp giảm nhập hàng cũng tác động đến cầu USD trên thị trường.

Vay ngày càng khó

Theo số liệu từ NHNN, lãi suất huy động USD thời điểm hiện tại giảm khoảng 2%/năm so với cuối tháng 3 do việc kiểm soát chặt tín dụng và thị trường ngoại tệ tự do. Theo đó, lãi suất huy động USD bình quân 2,66%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân 6,83%/năm. Các tháng trước cho vay ngoại tệ luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng cho vay tiền đồng nhưng trong tháng 4, cho vay bằng tiền đồng và USD của các NHTM cùng ở mức thấp. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 21-4 ước tăng 0,11% so với tháng trước, trong đó tín dụng VNĐ tăng 0,14%, tín dụng ngoại tệ chỉ tăng 0,02%. Điều này xuất phát từ Thông tư 07 của NHNN yêu cầu khách hàng vay ngoại tệ tại NHTM để nhập khẩu hàng hóa phải có nguồn thu để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc được cam kết bằng văn bản. Theo một lãnh đạo NHNN, thực tế từ đầu năm đến nay các NHTM đã hạn chế cho vay ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng không quá 20% trong năm nay. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay các NH cũng khó cho vay ngoại tệ do quy định của NHNN hạn chế cho vay ngoại tệ trên vốn huy động ngoại tệ. Năm ngoái nhiều NHTM đã cho vay ngoại tệ vượt quá mức huy động vốn nên năm nay phải giảm dần tỷ lệ này.

 Theo các NH, có khả năng việc sử dụng các hợp đồng phái sinh như forward, option giữa tiền đồng với USD sẽ được các doanh nghiệp để mắt hơn. Đây có thể coi là cam kết bán USD của NHTM cho doanh nghiệp vay ngoại tệ, vì trong thông tư không quy định rõ cam kết này. Tuy nhiên, các NHTM cũng thừa nhận nhu cầu vay USD của doanh nghiệp hiện nay lớn vì vay tiền đồng lãi suất vẫn còn quá cao. Bên cạnh đó, do không có USD huy động để cho vay, nhiều NHTM đang kiến nghị NHNN cho phép thực hiện các nghiệp vụ hoán đổi lãi suất để có thể cho vay trong thời gian tới. Một số NH dự báo trong ngắn hạn giá USD sẽ giảm nên đã bán USD (âm trạng thái) để lấy vốn tiền đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất không quá cao. Nhưng nghiệp vụ này chỉ được một số NH có thế mạnh về xuất nhập khẩu và có thanh khoản mua bán ngoại tệ tốt mới dám thực hiện, vì rủi ro về tỷ giá có thể xảy ra nếu thị trường biến động.  

Các tin khác