Dừng huy động, cho vay vàng

Chủ động hạn chế khó khăn

Ngày 4-5-2011 đồng loạt NHTM thông báo ngừng cho vay vàng theo Thông tư 11 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1-5-2011. Mặc dù thừa nhận quy định này ảnh hưởng đến lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh, nhưng các NHTM và công ty vàng đều cho biết đã chủ động để có thể hạn chế những khó khăn khi dừng huy động và cho vay vàng.

Ngày 4-5-2011 đồng loạt NHTM thông báo ngừng cho vay vàng theo Thông tư 11 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1-5-2011. Mặc dù thừa nhận quy định này ảnh hưởng đến lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh, nhưng các NHTM và công ty vàng đều cho biết đã chủ động để có thể hạn chế những khó khăn khi dừng huy động và cho vay vàng.

Doanh nghiệp xoay vốn trước

Theo Thông tư 11 của NHNN, các NHTM dừng cho vay vốn bằng vàng, bao gồm cả hoạt động cho vay lại giữa các tổ chức tín dụng với nhau và cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân, hoặc giải ngân chưa hết. Các NH cũng không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng. Trước đó, theo Nghị định 22 của NHNN các NHTM chỉ được cho vay vàng đối với mục đích sản xuất nữ trang. Dự báo được quy định của NHNN, trong tháng 3 và 4 các công ty kinh doanh vàng đã ký hợp đồng vay vàng với NH để chuẩn bị nguồn vàng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Như PNJ đã ký hợp đồng vay vàng thời hạn đến 2 năm.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc PNJ, cho biết: “Việc dừng cho vay vàng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng PNJ đã có sự chuẩn bị trước để không bị tác động lớn. Với kinh doanh vàng miếng mua vào bán ra nhanh, không cần thiết phải vay vàng. Nhưng với sản xuất vàng nữ trang bắt buộc phải vay vàng, bởi từ khâu sản xuất đến trưng bày vàng nữ trang tại các cửa hàng để bán lẻ, thời gian quay vòng vốn nhanh nhất cũng phải 3 tháng. Nếu doanh nghiệp không vay vàng ở NH, khi giá vàng biến động sẽ không an toàn trong việc sản xuất nữ trang”.

Một lãnh đạo công ty kinh doanh vàng tại TPHCM cũng thừa nhận việc ngừng cho vay vàng gây khó khăn không nhỏ đến sản xuất và kinh doanh nữ trang của công ty. Thực hiện quy định của NHNN, bước đầu công ty chuyển sang vay tiền đồng để mua vàng. Nhưng với lãi suất tiền đồng cao như hiện nay doanh nghiệp kinh doanh vàng cần phải cân nhắc. Hiện nay đã có một số công ty kinh doanh vàng nữ trang kiến nghị NHNN về dài hạn cho công ty phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vàng phục vụ sản xuất nữ trang. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc DongABank, các công ty vàng bạc lớn ít bị ảnh hưởng do có sẵn nguồn vốn kinh doanh.

Khuyến khích dân bán vàng

Theo NHNN, tính đến ngày 31-3, cho vay vốn bằng vàng tại các tổ chức tín dụng đã giảm. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi 30% số vàng huy động được thành VNĐ để cho vay của các NH cũng sẽ bị cấm kể từ ngày 1-5. Đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền, thời hạn phải tất toán chậm nhất là ngày 30-6. Thống kê của NHNN tính đến 31-3, số dư chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền đã giảm 14,7%. Nhiều NHTM thừa nhận với giá vàng thế giới vẫn còn cao như hiện nay, việc chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng đã gây không ít thiệt hại cho NH. Đối với nghiệp vụ huy động vàng qua phát hành chứng chỉ, sau thời điểm 1-5 cũng bị giới hạn. NHNN chỉ cho phép trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng, khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng sẽ phải chấm dứt hoàn toàn vào ngày 1-5-2012.

PNJ đã có chuẩn bị trước nên sẽ không khó khăn khi NHTM ngừng cho vay vàng. Ảnh: M. Ngọc

PNJ đã có chuẩn bị trước nên sẽ không khó khăn
khi NHTM ngừng cho vay vàng. Ảnh: M. Ngọc

Việc huy động vốn bằng vàng thời gian qua tập trung chủ yếu ở TPHCM (chiếm 75,85% tổng huy động vốn bằng vàng cả nước) và Hà Nội (chiếm 11,67%). 31 tỉnh, thành có tỷ trọng huy động vốn bằng vàng bình quân khoảng 0,5% tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước. 30 tỉnh, thành còn lại không thực hiện nghiệp vụ này. Như vậy, tình trạng đầu cơ vàng tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. Do đó, tác động của việc ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng đối với đa số người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, không lớn.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho rằng khi NHNN ngưng cho vay và huy động vàng, có thể một lượng lớn tài sản huy động, đặc biệt là vàng sẽ buộc phải tồn kho. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết hiện Eximbank đang quản lý khối lượng vàng hơn 13 tấn, bao gồm huy động từ khách hàng và các nguồn khác. Trong đó, 7 tấn đã được dùng để cho vay, phần tồn quỹ khoảng 6 tấn. Hoạt động kinh doanh vàng của Eximbank thời gian qua dù hiệu quả không cao nhưng chưa đến mức lỗ, bởi huy động lãi suất chỉ còn 0,1%/năm, trong khi cho vay lãi suất 3,5-4%/năm.

Hiện nay để giải quyết lượng vàng tồn kho từ huy động, các NHTM đều tích cực kéo lãi suất huy động vàng xuống cận 0%/năm. Bên cạnh đó, các NHTM như Eximbank, VietABank còn đưa ra chính sách mua vàng giá cao hơn giá niêm yết từ 0,15-0,4% nếu khách hàng bán vàng gửi tiết kiệm tại NH. Trong khi đó DongABank vẫn tiếp tục huy động vàng nhưng với lãi suất rất thấp 0,2-0,4%/năm và khách hàng không được rút trước hạn.

Dù số lượng vàng huy động được với lãi suất không đáng kể nhưng có thể giúp đảm bảo về thanh khoản cho DongABank. Tuy nhiên, gần đây khi lãi suất huy động vàng xuống thấp, đã có nhiều người bán vàng trong tài khoản cho NH để chuyển sang tiền đồng. Như tại VietABank, ngay khi NH đưa ra chính sách mua vàng giá cao cùng với thông tin ngưng cho vay vàng của NHNN, người dân đến VietABank bán vàng khá đông. Đây là tín hiệu tích cực giúp NH có thể giải quyết được lượng vàng tồn kho.

Có thể thấy thời điểm này, các NHTM buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn huy động bằng VNĐ để bù đắp cho việc giảm vốn huy động bằng vàng, đồng thời mở rộng thực hiện dịch vụ bảo quản hiện vật quý, cho thuê két sắt để đáp ứng nhu cầu cất trữ vàng của người dân. Nhiều nhận định cung cầu vàng trong nước có thể biến động do việc chuyển từ gửi vàng sang bán vàng.

Các tin khác