Cho nhập vàng có phải giải pháp căn cơ?

(ĐTTC) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố "sẵn sàng cho nhập khẩu vàng" nhưng thông điệp này dường như không thể chặn được "cơn bão" giá vàng.

(ĐTTC) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố "sẵn sàng cho nhập khẩu vàng" nhưng thông điệp này dường như không thể chặn được "cơn bão" giá vàng.

Sáng nay, 9-8, giá vàng trong nước tiếp tục tăng thêm gần 2 triệu đồng/lượng, lên đến mức kỷ lục 46,3 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, người dân tiếp tục tới xếp hàng dài ở các cửa hàng kinh doanh vàng để mua vàng tích trữ, bất chấp khuyến cáo về sự rủi ro khi đầu tư vào vàng đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tối qua.

Đến trưa nay, trước sự tăng cấp của bão giá vàng, NHNN đã phát đi thông báo: Trong ngày 9-8, NHNN đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước. Trong những ngày tới, NHNN dự kiến tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu thêm 5 tấn vàng để cung cấp cho thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của giá vàng thế giới, NHNN khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua vàng để tránh thiệt hại không đáng có.

Trao đổi với ĐTTC, một số chuyên gia cho rằng việc NHNN cho nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường là cần thiết, nhưng không phải là giải pháp căn cơ để quản lý thị trường vàng. Điểm lại những lần "sốt" giá vàng trong nước thời gian qua, ngoài nguyên nhân tăng theo giá vàng thế giới, còn có một thực tế là nguồn cung trong nước khan hiếm, và tình trạng đầu cơ, làm giá để trục lợi của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, doanh số ngoại tệ do xuất khẩu vàng và kim loại quý lên tới gần 2 tỷ USD, riêng xuất khẩu vàng khoảng 1,3 tỷ USD do giá thế giới cao hơn trong nước. Theo cơ chế hiện nay, vàng xuất khẩu đi thì dễ nhưng nhập về phải có giấy phép của NHNN.

Chính cơ chế này và độ trễ của chúng đã làm cho cung cầu và giá cả vàng trong nước gần như đoạn tuyệt với thế giới trong những thời điểm thị trường khó khăn nhất. Và hệ quả là giá vàng trong nước không chỉ "sốt" theo giá thế giới mà còn tăng hơn giá thế giới 2-2,5 triệu đồng/lượng.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc CTCP đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng với cơ chế hiện nay, khi giá vàng thế giới đột ngột tăng cao, nhiều tổ chức kinh doanh vàng dù không muốn nhưng "buộc phải làm giá", bởi lẽ do nguồn cung khan hiếm nên khi bán ra một lượng vàng nhất định ở thời điểm sốt doanh nghiệp khó có thể mua lại ở thời gian sau đó với mức giá tương đương. Vì thế, họ buộc phải đẩy giá lên mức cao hơn giá thế giới để dự phòng khả năng có thể mua lại với mức giá đã bán ra.

Từ đầu năm đến nay, trước tình trạng "chảy máu" vàng, đã có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên tích cực mua vàng để bình ổn thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, mặc cho vàng cứ xuất đi, còn ứng xử của nhà điều hành là chờ doanh nghiệp xuất khẩu vàng bán lại ngoại tệ cho mình. Vì thế, đến khi nguồn cung bị hạn chế, NHNN gần như trở tay không kịp. Hệ quả là thị trường đã trở nên hỗn loạn trước sự "nhảy múa" bất thường của giá vàng.

Việc NHNN cho phép nhập 5 tấn vàng trong ngày 9-8 và cho nhập thêm 5 tấn vàng trong nhưng ngày tới có thể phần nào làm hạ nhiệt giá vàng trong nước. Tuy nhiên, với việc cho nhập vàng cơ quan quản lý nhà nước sẽ đứng trước thách thức mới là việc nhập vàng sẽ gây áp lực lên tỷ giá và nhập siêu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi được phép nhập vàng cũng phải tính toán kỹ, bởi hiện giá vàng thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện đang có dự báo giá vàng sẽ tăng lên mức 2.000USD/oz trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong mấy ngày gần đây, giá USD và giá vàng gần như song hành với nhau về tốc độ tăng. Đầu tháng 8, tỷ giá ở mức 20.610 VNĐ/USD thì đến ngày 8-8 đã tăng lên đến 20.800 VNĐ/USD. Sáng 9-8, tỷ giá niêm yết của các NHTM đã tăng kịch trần và trên thị trường tự do tỷ giá đã vượt mốc 21.000 VNĐ/USD.

 Nhập siêu trong tháng 7 vừa qua đã giảm nhưng chưa bền vững, bởi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với nhập khẩu là do xuất khẩu vàng. Nay nếu lại cho nhập vàng thì có khả năng nhập siêu sẽ tăng trở lại - đe dọa tới mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang theo đuổi.

Các tin khác