Chênh lệch giá vàng 4 triệu đồng: Rủi ro lớn nếu đầu tư vào vàng

(ĐTTCO) - Ngày 15-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bất ngờ thông báo quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1-1,25% hiện nay xuống còn 0-0,25%. Sau đó, giá vàng thế giới đã đi xuống nhưng giá trong nước vẫn đứng yên, đẩy chênh lệch giá trong nước và thế giới lên gần 4 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng 4 triệu đồng: Rủi ro lớn nếu đầu tư vào vàng
Ngay sau thông tin FED giảm lãi suất, giá vàng thế giới bật tăng mạnh lên ngưỡng trên 1.560USD/ounce. Tuy nhiên sau đó, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ. Tính theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đứng ở mức 1.546,6USD/ounce vào buổi sáng, tăng 15,7 USD (1,03%) so với phiên trước đó và đạt mức 1.549,3USD/ounce vào buổi trưa. Đến buổi chiều 16-3, giá vàng giảm về mức 1.539USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, ngày 16-3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vàng SJC ở mức 45,8 - 46,8 triệu đồng/lượng, giữ nguyên không đổi so với thời điểm cuối phiên giao dịch tuần trước. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 1 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra ở mức 45,6 – 46,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với phiên giao dịch liền trước. Cập nhật vào thời điểm chốt phiên giao dịch chiều 16-3, giá vàng được SJC niêm yết ở mức 45,9-46,8 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng trong nước không có những biến động ngược chiều so với giá vàng thế giới, nhưng động thái đứng yên của giá vàng trong nước đã kéo giãn khoảng cách so với thị trường thế giới. Cụ thể, quy đổi theo tỷ giá ngày 16-3 (bao gồm cả thuế và phí), giá vàng thế giới khoảng 43 triệu đồng/lượng, theo đó giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3,8 triệu đồng/lượng.
Trước nay, 2 thị trường vàng thế giới và trong nước không liên thông với nhau, cung cầu trong nước và cung cầu thế giới khác biệt, giá vàng có lúc trong nước cao hơn thế giới, có lúc thế giới cao hơn trong nước, tùy theo cung cầu của mỗi thị trường. 
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới chịu nhiều biến động do dịch Covid-19 bùng phát, gây tâm lý lo ngại về kinh tế toàn cầu, thúc đẩy nhà đầu tư hạn chế tìm kiếm các tài sản rủi ro và tìm đến hầm trú ẩn an toàn. Yếu tố này cộng với tâm lý giữ vàng của người dân Việt Nam, giá vàng trong nước biến động mạnh hơn giá vàng thế giới khi vượt khỏi mốc 45 triệu đồng và khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đã tăng lên 1-1,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá mua-bán vàng trong nước cũng giãn ra 1 triệu đồng/lượng. Ngay từ lúc khoảng cách này được thiết lập, các chuyên gia đã sớm khuyên các nhà đầu tư trong nước thận trọng. Vì với chênh lệch cao như vậy, người mua hôm trước có thể lỗ ngay hôm sau nếu giá vàng thế giới có biến động.
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia về vàng nhận định xu hướng giá vàng trong nước không giảm mạnh theo giá thế giới, khoảng cách giữa 2 thị trường ngày càng tăng là vì có sự lo ngại về tỷ giá và do chính sách hạn chế của Chính phủ trong việc mua bán vàng. Đồng thời, hiện tượng đang diễn ra có thể vì các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã cạn hàng trong kho, do hiện tại chỉ có NHNN mới được nhập khẩu vàng. 
Do đó, các doanh nghiệp kéo giãn giá thế giới và trong nước cũng như giá mua bán để tránh trường hợp giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp sẽ không chịu rủi ro khi phải bù đắp số vàng đã bán ra. Còn nếu nói doanh nghiệp đầu cơ đẩy giá vàng lên để thu lời là điều không khả thi, khó có doanh nghiệp tư nhân nào đủ sức làm điều đó trong lúc này. Trong tình hình hiện tại, người mua có thể hứng chịu các rủi ro nếu đầu tư vào vàng, dù đây là kênh trú ẩn của nhà đầu tư thế giới.
Còn hiện nay, dự báo trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể giảm do nhà đầu tư muốn đóng lệnh chịu lỗ trên các thị trường, hoặc muốn chuyển sang tiền mặt và giảm rủi ro trên danh mục đầu tư, cho nên giá vàng là một câu chuyện khó lường. Như vậy, nhà đầu tư trong nước cũng như người dân cần phải bình tĩnh theo dõi đánh giá và đưa ra kịch bản kinh doanh phù hợp.

Các tin khác