Cần cơ chế huy động vốn vàng trong dân

Trong 2 ngày sốt giá vàng vừa qua, rất nhiều người dân đã mang tiền đi mua vàng. Tuy nhiên, số vàng này cũng như số vàng sẵn có trong dân gần như không được huy động vào phục vụ nền kinh tế. Như vậy, một lượng vốn rất lớn đang bị chôn trong vàng.

Trong 2 ngày sốt giá vàng vừa qua, rất nhiều người dân đã mang tiền đi mua vàng. Tuy nhiên, số vàng này cũng như số vàng sẵn có trong dân gần như không được huy động vào phục vụ nền kinh tế. Như vậy, một lượng vốn rất lớn đang bị chôn trong vàng.

Hiện tại, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng không được cho vay vốn bằng vàng. Việc huy động vốn bằng vàng thông qua việc phát hành chứng chỉ bằng vàng được thực hiện từ nay đến tháng 5-2012 nhưng với mục đích là để đảm bảo vàng chi trả cho các khoản gửi vàng đến hạn nhằm tiến tới chấm dứt hẳn hoạt động huy động – cho vay vàng của các ngân hàng thương mại vào tháng 5-2012.

Như vậy, một lượng vốn rất lớn trong dân đang nằm dưới dạng vàng mà không được huy động phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Theo một số chuyên gia, đây là một sự lãng phí rất lớn và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế tận dụng hợp lý số vốn vàng này.

Ông Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết hiện nay vàng trong dân rất lớn, và NHNN cần phải cho ngân hàng thương mại được huy động vốn bằng vàng có thể dưới hình thức phát hành chứng chỉ hoặc trái phiếu vàng với lãi suất thấp vì người dân có nhu cầu gửi vàng cho an toàn. Thế nhưng, ngân hàng cũng không được cho vay vàng tránh để vàng trở thành phương tiện thanh toán.

Vậy số vàng ngân hàng huy động sẽ làm gì? Ông Ngân cho rằng NHNN nên có cơ chế cho phép ngân hàng thương mại đem vàng này làm nghiệp vụ swap (hoán đổi) tiền đồng với NHNN, tức đem vàng đi thế chấp tại NHNN, vay lại tiền đồng với lãi suất tái cấp vốn khoảng 13-14% như hiện nay, như vậy sẽ giúp ngân hàng có nguồn vốn với lãi suất vừa phải để cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải pháp này vừa giúp tháo gỡ lượng vàng đang tồn đọng trong ngân hàng thương mại, vừa sử dụng được vốn nhàn rỗi của dân và làm tăng đáng kể dự trữ ngoại hối của quốc gia trong một khoảng thời gian, cũng như tăng cơ sở ổn định tỷ giá, ông Ngân nói. NHNN sẽ có thể có kế hoạch riêng để kinh doanh trên lượng vàng dự trữ này.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng cho rằng trong những trường hợp cần thiết, NHNN có thể xuất lượng vàng dự trữ để bán can thiệp thị trường trong khi chờ vàng nhập về. “Việc này sẽ giúp quản lý và huy động nguồn lực của quốc gia, đỡ tốn một lượng ngoại tệ để nhập vàng về”, ông Ngân nói.

Hiện nay, các ngân hàng hoàn toàn không được thực hiện bất cứ nghiệp vụ nào bằng số vàng huy động được, nhưng trong những ngày vừa qua một vài ngân hàng bằng cách này hay cách khác vẫn tận dụng số vàng trên để bán khi giá vàng đạt đỉnh nhằm thu lợi nhuận.

Ông Ngân cũng kiến nghị, thời gian tới, việc điều hành của NHNN cần đảm bảo mục tiêu giá vàng trong nước tương thích với thế giới, nếu không sẽ tác động tới tỷ giá. NHNN nên chủ động cấp hạn ngạch (quota) hàng năm để doanh nghiệp có thể chủ động cân đối xuất nhập vàng, đồng thời mạnh dạn cho phép ngân hàng được mở một tài khoản giao dịch vàng quốc tế để nhanh chóng cân bằng trạng thái với việc mua bán vàng trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quản lý vàng mà trước đây dự kiến sẽ ra đời trong tháng 6.

Các tin khác