Vì sao người từ TPHCM về Đồng Nai phải cách ly 21 ngày?

(ĐTTCO) - Từ 0h ngày 5-6, người từ TPHCM về Đồng Nai sẽ phải cách ly y tế 21 ngày. Quy định này đang gây nhiều phản ứng cho người qua lại TPHCM và Đồng Nai.


Kiểm tra y tế hành khách đi ngang qua Đồng Nai. Ảnh: SƠN ĐỊNH
Kiểm tra y tế hành khách đi ngang qua Đồng Nai. Ảnh: SƠN ĐỊNH

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phó trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai - giải thích về quy định này.

- Hiện nay rất nhiều người đi làm ở TPHCM hoặc vận chuyển hàng hóa phải đi qua Đồng Nai. Trường hợp nào sẽ bị cách ly?

- Tôi xin khẳng định Đồng Nai không có "ngăn sông cấm chợ" như một số luồng ý kiến đang hiểu sai văn bản của tỉnh. Tức là những người từ TPHCM đến Đồng Nai làm việc có thể chọn ở Đồng Nai làm việc hoặc ở TPHCM làm việc online.

Cụ thể, người từ TPHCM về, đến Đồng Nai từ ngày 4-6 trở về trước không buộc phải cách ly. Những trường hợp có liên quan đến các ca bệnh Covid-19, trở về từ khu vực phong tỏa của TPHCM phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo quy định. 

Chúng tôi khuyến cáo tất cả những người đi, về Đồng Nai từ TPHCM cần tự giác theo dõi sức khỏe. Nếu thấy có vấn đề bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.

Những người ở Đồng Nai làm việc ở TPHCM đi về trong ngày buộc phải lựa chọn, một là thuê nhà ở lại TPHCM để làm việc tại TPHCM trong thời gian này, hoặc ở Đồng Nai và làm việc trực tuyến. 

Từ ngày 5-6, người Đồng Nai lên TPHCM làm việc, khi quay về Đồng Nai bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại nhà, nơi lưu trú.

Còn đối với vận chuyển hàng hóa thì không có gì cản trở. Ví dụ tài xế vào Đồng Nai giao hàng thì chỉ cần khai báo y tế rồi về TPHCM, không phải cách ly 21 ngày. Doanh nghiệp có tài xế chở hàng hóa thiết yếu phải có phương án phòng chống dịch bệnh cho tài xế.

- Những người đi ngang qua Đồng Nai để đến những tỉnh khác sẽ như thế nào? Với các biện pháp mà Đồng Nai vừa đưa ra, nhiều người băn khoăn vì sẽ có những xáo trộn không nhỏ về công ăn việc làm, chỗ ở...

Vì sao người từ TPHCM về Đồng Nai phải cách ly 21 ngày? ảnh 1 Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
- Đồng Nai phải áp dụng biện pháp này, vì số chuyên gia, lao động ở TPHCM làm việc ở Đồng Nai rất lớn, trên 10.000 người. 

Nếu để số lượng người mà họ đi đi về về trong tình hình hiện nay chắc chắn ở Đồng Nai sẽ có những ổ dịch. Cho nên Đồng Nai quyết liệt chống dịch như tinh thần của Thủ tướng là tấn công ngay từ ban đầu.

Mục đích của chúng tôi là không muốn xuất hiện thêm ổ dịch mới nào ở Đồng Nai, hạn chế tối thiểu rủi ro. Tôi ví dụ chỉ cần một người ở TPHCM lên Đồng Nai chẳng may họ gây ra ổ dịch tại công ty của họ sẽ rất khó kiểm soát.

Hiện nay Đồng Nai cũng đã quy định trong thời gian này, cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn không đến TPHCM (trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản).

Vì vậy, nếu làm việc ở Đồng Nai hoặc TPHCM thì ở đâu yên đó, không có chuyện sáng đi chiều về. Các doanh nghiệp, công ty, cơ quan nhà nước cũng đã có phương án làm việc online, phân bổ công việc cho người lao động... để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Những ai qua địa bàn Đồng Nai, qua các chốt kiểm soát đều phải thực hiện khai báo, kiểm tra y tế theo quy định. Nếu phát hiện dương tính mới đưa đi cách ly. Việc kiểm tra này nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn lây (nếu có) để truy vết kịp thời.

Hôm qua 4-6, sau khi Tuổi Trẻ Online đăng thông tin về quyết định của Đồng Nai, đã có hàng trăm ý kiến bạn đọc phản hồi.

Dẫu biết rằng mục đích trên hết nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, nhưng nhiều người dân không khỏi sững sờ trước quy định được Đồng Nai ban hành, bởi số người đi qua lại làm việc ở TPHCM và Đồng Nai quá lớn.

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng việc quy định tất cả người đến, về từ TPHCM phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú là "quá sốc" và khó có thể chấp nhận.

"Một ngày có bao nhiêu ngàn người Đồng Nai đến TPHCM làm việc? Riêng công ty tôi đã là vài trăm người nhà ở Đồng Nai.

Vì sao người từ TPHCM về Đồng Nai phải cách ly 21 ngày? ảnh 2 Đo thân nhiệt tài xế đi từ TP.HCM về Đồng Nai qua phà Cát Lái chiều 4-6. Ảnh: TỰ TRUNG
Quy định vậy chỉ làm khó cho dân. Giờ đi làm thì không thể về lại nhà, vậy thì ở đâu trong 21 ngày tới trong khi không có quần áo, tư trang vật dụng cá nhân? Còn nếu đã về nhà thì phải nghỉ làm 21 ngày, vậy ai đền bù thu nhập cho người lao động? Công ty nào chấp nhận?" - bạn đọc có địa chỉ email leminhhoang@... đặt vấn đề.

"Quá bất hợp lý khi tôi đi làm ở TP Thủ Đức và về nhà ở xã Phú Hữu ngay phà Cát Lái. Vậy mà cách ly kiểu đó thì tôi lấy gì nuôi con?

Bạn đọc Dương Tuấn bình luận: "Đồng Nai là cửa ngõ các tỉnh miền Đông vào Sài Gòn. Ra văn bản ngăn sông cấm chợ kiểu này gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân rồi".

Ý kiến bạn Kha cho rằng: "Hiện tại nhiều người dân và công nhân viên chức tại TPHCM không trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16, họ vẫn đến công sở làm việc bình thường, người TPHCM nếu về Đồng Nai thì bị cách ly và tự trả tiền thì vô lý quá!".

Nhiều bạn đọc lo mất việc, mất lương vì không phải công việc nào cũng có thể làm từ xa. Theo dõi phát biểu của giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nói rằng công nhân phải làm online chứ không được đi đi về về trong ngày nữa, bạn đọc Quang Phú cho rằng: "Ông giám đốc thiếu thực tế, công nhân sao làm online?".

Bạn Huỳnh Toàn lo âu: "Một quyết định làm biết bao người lao động điêu đứng. Khổ nhất là công nhân, dân lao động tay chân, những người nghèo nhất".

Bạn đọc tên Bùi viết: "Tình trạng cực đoan trong phòng chống dịch đã bắt đầu, và sẽ gây hại rất lớn về kinh tế nhiều tỉnh thành".

"Trung ương từng nói không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Nhưng hiện nay các tỉnh tự ra công văn ngăn cấm, thiết nghĩ ban chỉ huy phòng chống dịch phải làm việc, thống nhất với UBND các tỉnh, vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa đảm bảo duy trì sản xuất kinh tế", bạn đọc Thành đề nghị.

Long An: Chỉ cách ly người đến các điểm đang có dịch ở TPHCM

Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, cho biết đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp rà soát số công nhân ở TPHCM làm việc trong các KCN, khu kinh tế, cụm công nghiệp ở Long An đi về hằng ngày.

"Ai đi xe nào thì phải về đúng xe đó, thực hiện đầy đủ 5K, khử khuẩn cho cả chiếc xe hằng ngày để đảm bảo phòng chống dịch", ông Thanh nói.

Theo chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Long An, đối với những trường hợp đã từng đến các điểm đang có dịch được Bộ Y tế công bố, khi về Long An phải cách ly tập trung 21 ngày và xét nghiệm đủ 4 lần, còn những người không đến các điểm dịch phải tự cách ly tại nhà 14 ngày và xét nghiệm đủ 3 lần.

Chi phí cách ly và xét nghiệm những người này đều phải tự chi trả.

Bạn đọc cũng cho hay quy định vừa ban ra thì nhiều dịch vụ vận tải đã từ chối nhận hàng hóa từ TPHCM đi Đồng Nai, vì lo ngại tài xế khi chuyển hàng đến Đồng Nai sẽ bị cách ly. Bạn đọc tên Trung Kiên thông tin: "Hiện tại hỏi 3-4 chành xe không ai nhận hàng chuyển từ TPHCM - Đồng Nai. Không biết những ngày sắp tới sao đây?!".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao thì việc Đồng Nai đưa ra "biện pháp mạnh" để ngăn dịch xâm nhập là cần thiết.

Bạn đọc Xuân Hoa động viên: "Dịch Covid-19 đang bùng phát, người dân cả nước đang phải đối mặt với những khó khăn, riêng cá nhân tôi cũng bị mất việc do Covid-19 nên mọi người phải cố gắng vượt qua, chung tay góp sức để đẩy lùi Covid-19 lấy lại bình yên".

"Mình đang chống dịch như chống giặc. Các chuyên gia, nhân viên từ TPHCM xuống Đồng Nai có thể làm ở nhà qua Internet là được. Còn công nhân thì đề nghị chủ doanh nghiệp trang bị chỗ ở cho công nhân ở luôn tại Đồng Nai (ký túc xá, nhà trọ, khách sạn)" - một bạn đọc gợi ý giải pháp.

TPHCM tìm cách tháo gỡ

Chiều 4-6, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã chủ trì phiên họp phòng chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, ông Đức cho biết hiện nay có nhiều địa phương đã tổ chức cách ly người về TPHCM, mới nhất là Đồng Nai.

Hiện TPHCM có khoảng 6.000 công nhân tại các KCN-KCX đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai. Nếu bị cách ly sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, và gây một số ách tắc trong giao thông vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương.

Ông Đức yêu cầu Sở Giao giao thông vận tải nghiên cứu tham mưu khẩn cấp cho UBND TP, để có công văn trao đổi với Đồng Nai giải quyết vấn đề này, tránh ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Trong chiều 4-6, Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TPHCM, về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với quyết định của Đồng Nai.

Cách ly 21 ngày, tự trả phí

Ngày 4-6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản về việc cách ly người về, đến từ TP.HCM để tăng cường phòng chống dịch Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa phương.

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo từ 0h ngày 5-6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về, đến Đồng Nai (trừ các đối tượng phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế).

Thời gian cách ly tính từ ngày rời TPHCM. Đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và 14. Phí cách ly tại cơ sở lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm do đối tượng cách ly trả.

Trong thời gian này, các cán bộ, công chức viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh không đến TPHCM, trừ trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản.

Tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TPHCM và ngược lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi người dân về, đến từ TPHCM liên hệ cơ quan y tế gần nhất để khai báo; kêu gọi nhân dân ở từng tổ, ấp, khu phố tăng cường giám sát cộng đồng dân cư, thông tin phản ánh những trường hợp về, đến từ TPHCM không thực hiện khai báo y tế và cách ly.

Các tin khác