Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Chế tạo thành công máy làm khẩu trang y tế

(ĐTTCO) - PGS-TS Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, khoa đã chế tạo thành công hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế. 

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) và TS Nguyễn Thanh Hải (phải) bên máy tạo thân khẩu trang y tế.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) và TS Nguyễn Thanh Hải (phải) bên máy tạo thân khẩu trang y tế.

Từ đầu tháng 2-2020, khi tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM chưa diễn biến phức tạp, khoa đã họp khẩn các giảng viên chủ chốt để triển khai dự án thiết kế và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế cho cộng đồng.

Các giảng viên chuyên ngành về thiết kế, chế tạo và hàn siêu âm đã phân tích, đưa ra hàng loạt phương án sản xuất khẩu trang. Cuối cùng, phương án được khoa lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly hình chữ nhật) và hàn quai siêu âm đơn điểm. Năng suất một máy tự động tạo thân có thể đạt tối đa 90 cái/phút, trong khi năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái/phút. Do đó, để đảm bảo năng suất đồng bộ, 1 máy tạo thân sẽ đi kèm với 6 máy hàn quai siêu âm. 

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Lộc, khẩu trang y tế cơ bản được tạo thành bởi các lớp vải không dệt và lớp vải lọc kháng khuẩn. Vải không dệt và vải lọc kháng khuẩn đều làm từ nhựa có thành phần chính là polypropylene với công nghệ khác nhau. Do đó, để hàn được các lớp vải này với nhau, công nghệ hàn siêu âm là lựa chọn phù hợp. Trong thiết kế, khẩu trang y tế từ 3 đến 5 lớp đều có thể tạo ra được, tùy vào số cuộn vải đưa vào. Một trong các lớp vải này là lớp vải lọc hay còn gọi là vải kháng khuẩn.

Ưu điểm vượt trội của thiết kế này chính là chỉ sử dụng một hệ siêu âm, so với các thiết kế trước đây phải sử dụng đến 2 hệ siêu âm tần số 20kHz. PGS-TS Nguyễn Hữu Lộc cũng lưu ý, nếu có thêm thời gian và kinh phí, nhóm nghiên cứu tin rằng, hệ thống hàn quai khẩu trang y tế tự động sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất, nhằm tăng năng suất sản xuất khẩu trang trong thời điểm hiện nay.

Các tin khác