Trong 4 ngày, 5 trận động đất liên tiếp ở Cao Bằng

(ĐTTCO)-Sáng nay 28-11, trận động đất lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 4 ngày tiếp tục xảy ra tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Động đất khiến đá núi lăn lóc xuống đường tại huyện Trùng Khánh - Cao Bằng vào hôm 25-11
Động đất khiến đá núi lăn lóc xuống đường tại huyện Trùng Khánh - Cao Bằng vào hôm 25-11

Sáng nay 28-11, Hà Nội lại rung rinh vì dư chấn trận động đất 4,7 độ richter tại tỉnh Cao Bằng gây ra. Các tòa nhà cao tầng ở Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn... thì rung mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trận động đất sáng nay xảy ra hồi 6 giờ 49 phút 50 giây, có độ lớn 4,7 độ richter tại toạ độ 22,844 độ vĩ Bắc và 106,581 độ kinh Đông, thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Độ sâu chấn tiêu là 10km. 

Trước đó, vào các ngày 25 và 26-11, cũng tại Trùng Khánh - Cao Bằng đã xảy ra 4 trận động đất. Trong đó, trận xảy ra vào hồi 8 giờ 18 ngày 25-11 có độ lớn tới 5,4 độ richter.
Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thì có thể ví Trái đất như 1 nồi cám heo. Khi nồi sôi thì hơi (năng lượng) bên trong thoát ra thông qua các rãnh đứt gãy, hình thành động đất. Nhưng các nhà khoa học trên thế giới đến nay chưa thể dự báo trước khi nào thì có động đất xảy ra, mà chỉ có thể ghi nhận các trận động đất để cảnh báo. 

Theo Luật Phòng chống thiên tai, động đất là một loại hình thiên tai nguy hiểm, nằm trong 19 loại hình thiên tai xuất hiện ở nước ta. 

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại với các trận động đất có thể xảy ra tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn đề nghị các bộ liên quan và ban chỉ huy các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng, nhất là các hồ chứa, nhà cao tầng, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn. Chỉ đạo các địa phương, chủ công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang. Rà soát, kiểm tra các hồ chứa nước và hạ du, nhất là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp.

Các tin khác