Khó chống chuyển giá thương mại điện tử

(ĐTTCO)-Hiện nay, các đối tượng tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT) gồm doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Tuy nhiên, quản lý thuế cũng như hoạt động thương mại chỉ thực hiện được ở DN. Còn cá nhân chưa quản lý được. Do vậy, trên thực tế đang tồn tại tình trạng rất nhiều cá nhân cố tình trốn thuế, chuyển giá. Đó là khẳng định của Tổng cục Thuế tại hội nghị Chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử diễn ra ngày 1-12, tại TPHCM.

(ĐTTCO)-Hiện nay, các đối tượng tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT) gồm doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Tuy nhiên, quản lý thuế cũng như hoạt động thương mại chỉ thực hiện được ở DN. Còn cá nhân chưa quản lý được. Do vậy, trên thực tế đang tồn tại tình trạng rất nhiều cá nhân cố tình trốn thuế, chuyển giá. Đó là khẳng định của Tổng cục Thuế tại hội nghị Chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử diễn ra ngày 1-12, tại TPHCM.

Chống chuyển giá: Không dễ!

Bà Nguyễn Thị Hánh, Phó vụ trưởng - Phó trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, điều kiện phát triển TMĐT thuận lợi với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước đang có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, có 130 triệu thuê bao di động. Lĩnh vực TMĐT hiện đang thu hút nhiều DN, cá nhân tham gia.

Nhiều loại hình TMĐT xuất hiện như trò chơi trực tuyến, mua bán hàng hóa qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số. Mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen của người dân. DN đẩy mạnh giao dịch qua TMĐT để tiết giảm chi phí.

 

Quảng cáo trực tuyến và kinh doanh trên sản phẩm số hóa, dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh. Hiện nhiều DN Việt Nam được World Startup Report định giá và xếp hạng với giá trị tương đối lớn với hàng trăm triệu USD, thậm chí đến cả tỷ USD. Doanh thu của một số DN lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm và thực hiện xuất khẩu sản phẩm TMĐT ra nước ngoài.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ số và đi cùng với nó là hoạt động TMĐT ngành càng sôi động đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý. Phần lớn hoạt động trên nền Internet nên giá trị gần như vô hình, khó xác định giá bán. Hoạt động kinh doanh TMĐT có nhiều điểm khác xa với thương mại truyền thống như không có kho chứa hàng, không cần dự trữ nhiều hàng hóa. Về mặt không gian, thời gian và vị trí địa lý cũng không bị giới hạn, có thể thực hiện giao dịch 24/24 giờ.

Chưa hết, hoạt động giao dịch hàng hóa diễn ra trên nền tảng di động, Internet nên rất dễ để chủ giao dịch hàng hóa ẩn danh, nặc danh và xóa bỏ thông tin giao dịch trong trường hợp cảm thấy không an toàn hoặc có khả năng bị thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng, séc…), các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch qua mạng Internet từ khâu đặt hàng cho đến khâu thanh toán, đặc biệt là đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới.

Theo nhận xét của ông Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay việc chống chuyển giá là công việc không hề đơn giản. Ngay cả các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đều gặp khó khăn trong việc chống chuyển giá, dù họ có hệ thống pháp luật chặt chẽ, hệ thống thông tin hiện đại, cơ sở dữ liệu phong phú, sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Thực trạng tại nước ta cho thấy, công nghệ quản lý còn nhiều bất cập. Sự phối hợp và đồng bộ giữa các cơ quan thuế và các bộ ngành liên quan còn lỏng lẻo. Do vậy, rất khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc xác định doanh thu chi phí của doanh nghiệp hay cá nhân tham gia thương mại điện tử. Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng NSNN chắc chắn là thất thu không nhỏ, trong khi sự phối hợp giữa ngành thuế với các bộ, ngành liên quan để tăng cường hiệu quả quản lý thu NSNN đối với hoạt động TMĐT vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, cho đến nay trong lĩnh vực TMĐT chưa tiến hành thanh tra được trường hợp nào.

Gỡ từ chính sách và hạ tầng quản lý

Xét về hệ thống chính sách pháp luật quản lý về việc giá chuyển nhượng thì đến nay, Tổng cục Thuế và một số cục thuế đang áp dụng Thông tư 66 ban hành ngày 22-4-2010 quy định chi tiết về các quy định xử lý hành vi chuyển giá.

Bà Nguyễn Thị Hánh khẳng định, cho đến nay đã có những vụ việc được cơ quan thuế kiểm tra phát hiện và điều chỉnh đáng kể. Việt Nam cũng đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Vấn đề còn lại là các công ty kiểm toán cần thật sự trung lập, xác định một cách khách quan để hỗ trợ cho DN và cơ quan thuế trong việc nộp, thu đúng thu đủ.

Về hệ thống chính sách pháp luật quản lý việc chuyển nhượng thì đến nay Tổng cục Thuế và một số cục thuế đã có một bộ phận chuyên trách về giá chuyển nhượng của DN. Đội ngũ công chức thuế cũng đã được trang bị kiến thức cơ bản về giá chuyển nhượng, được đào tạo chuyên sâu.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, dự báo tình hình kinh tế còn diễn biến phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, cần nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, sự lỏng lẻo của trong kiểm soát của các cơ quan ban ngành nhằm ngăn chặn những lỗ hổng cho doanh nghiệp, cá nhân tìm cách lách luật, thực hiện hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan.

Hiện Bộ Tài chính cũng đang cùng với các cơ quan chức năng nghiên cứu và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và TMĐT. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TMĐT để người dân hiểu rõ và sử dụng các tiện ích ưu việt của hoạt động TMĐT.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với hoạt động thực tiễn của TMĐT. Đặc biệt, cần nhận diện và phân nhóm người nộp thuế thành các loại hình TMĐT điển hình để tập trung nguồn lực quản lý. Có như vậy mới giảm thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong tình hình hiện nay.

Các tin khác