Thích ứng với biến động

Trong tháng 6, Hoa Kỳ dự kiến điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất. Điều này có thể gây ra áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái đối với Việt Nam. Đồng USD mạnh lên đòi hỏi việc điều hành chính sách tỷ giá phải linh hoạt hơn. Đối với danh mục vay nợ nước ngoài, nếu USD tăng mạnh trong thời gian tới, các khoản nợ nước ngoài phải trả bằng tiền USD có thể phải gánh chi phí nợ cao hơn.
 

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ đối mặt với những thách thức nhưng cơ hội cũng rất lớn từ hội nhập. Điều đó đang đặt ra những đòi hỏi về việc điều hành chính sách một cách linh hoạt, thận trọng trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ hơn trong dài hạn.

Trong tháng 6, Hoa Kỳ dự kiến điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất. Điều này có thể gây ra áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái đối với Việt Nam. Đồng USD mạnh lên đòi hỏi việc điều hành chính sách tỷ giá phải linh hoạt hơn. Đối với danh mục vay nợ nước ngoài, nếu USD tăng mạnh trong thời gian tới, các khoản nợ nước ngoài phải trả bằng tiền USD có thể phải gánh chi phí nợ cao hơn.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại theo hướng bền vững hơn sẽ giúp nước này duy trì lạm phát ở mức thấp, nên những nước phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc như Việt Nam cũng có thể sẽ được hưởng lợi nhờ giá rẻ hơn. Tuy nhiên, khi nhập khẩu hàng từ Trung Quốc, các nhà nhập khẩu vẫn cần phải thắt chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Giá dầu thế giới trong thời gian tới được dự báo tăng nhẹ do nguồn cung thế giới đã thu hẹp. Với xu hướng như vậy, khi giá sản phẩm xăng dầu có xu hướng tăng lên, kéo theo giá thành sản xuất tăng trở lại và có thể sẽ gây áp lực nhất định lên chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2015.

 Dự báo tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản - các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sẽ lạc quan hơn trong năm 2015 có thể sẽ tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các thị trường có hệ thống hàng rào kỹ thuật thương mại rất khắt khe.

Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để trở nên cạnh tranh hơn trong việc đón nhận xu hướng này. Trong bối cảnh động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu giai đoạn tới phụ thuộc nhiều vào khả năng ứng dụng và thương mại hóa các thành tựu khoa học công nghệ, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng truyền thống.

Đó là vừa phải tiếp tục khai thác hiệu quả các dư địa còn lại của mô hình tăng trưởng dựa trên lợi thế so sánh, vừa phải kiến tạo nền tảng cho chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên lợi thế quy mô, công nghệ và sáng tạo.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn dựa trên mức độ thúc đẩy tự do hóa thương mại. Do đó, Việt Nam tiếp tục phải hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, tạo ra áp lực bên ngoài để thúc đẩy cải cách bên trong, nhằm có điều kiện thuận lợi hơn khi muốn kêu gọi được nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển.

Năm 2015, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với thâm hụt ngân sách và vấn đề này có thể kéo dài sang 2016. Vì thế, cách sử dụng phương tiện tài trợ cho thâm hụt cao bất thường của năm 2015 sẽ quyết định cân đối vĩ mô của năm 2016.

Chẳng hạn, nếu Chính phủ sử dụng dự trữ ngoại hối để tài trợ cho thâm hụt ngân sách (kể cả dưới hình thức tạm ứng), sẽ vẫn gây ra những phản ứng (niềm tin) đối với chính sách tiền tệ và tài khóa.  Tỷ giá cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới. Các cân đối vĩ mô hiện nay có thể bị phá vỡ trong năm 2016 và tạo ra vòng xoáy lạm phát - tỷ giá mới.

Từ diễn biến thực tế trên, đặt ra những giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam năm 2015 là điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo hướng giảm giá VNĐ, duy trì hoặc tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối để tăng niềm tin đối với chính sách tiền tệ; tiếp tục cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại; tiếp tục tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro cao...

Bên cạnh đó, để hội nhập một cách chủ động và tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp, cần thiết áp dụng hợp lý các hàng rào kỹ thuật cho hàng nhập khẩu; cải cách mạnh thể chế trong nước. Về dài hạn vẫn là tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng nền sản xuất. Điều này đòi hỏi những chương trình cải cách đồng bộ trong lĩnh vực hành chính, thể chế và tính hiệu quả trong bản thân mỗi doanh nghiệp.

Các tin khác