Kết nối năng lượng ASEAN: Vẫn còn chông gai

Có nhiều thuận lợi to lớn nếu ASEAN thúc đẩy hội nhập trong lĩnh vực năng lượng nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển, khung pháp lý…

Có nhiều thuận lợi to lớn nếu ASEAN thúc đẩy hội nhập trong lĩnh vực năng lượng nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển, khung pháp lý…

Dự án Lưới điện ASEAN (APG) và Dự án đường ống khí đốt xuyên ASEAN (TAGP) được xem là những dự án thiết thực nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng nguồn năng lượng trong khu vực.

Rào cản với đường điện

Manh nha từ năm 1978 những đến 10 năm sau, ý tưởng phát triển hệ thống lưới điện xuyên quốc gia của ASEAN mới được chính thức thông qua trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Bằng cách kết nối vào một mạng lưới điện chung, các nước dư thừa điện sẽ có thể bán cho các nước thiếu hụt một cách dễ dàng, thuận lợi. Một mạng lưới điệu chung được đánh giá sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho khối, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Chương trình APG hiện đã ghi nhận một số bước tiến. Thái Lan đã ký kết thỏa thuận truyền tải điện với Lào và Malaysia. Giữa Malaysia và Singapore cũng có một thỏa thuận tương tự. Việt Nam cũng đã bán điện cho Lào và Campuchia qua đường 220kV và cũng đang xúc tiến xây dựng đường dây kết nối lưới điện với Thái Lan, Mynamar và các nước khác trong ASEAN.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, việc triển khai APG còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến ưu tiên phát triển, năng lực tài chính của từng quốc gia, sự không đồng nhất về kỹ thuật hệ thống điện, khoảng cách địa lý.

Trì hoãn đường dẫn khí

Hội đồng dầu khí ASEAN đã đệ trình Kế hoạch tổng thể sửa đổi để kết nối mạnh mẽ hơn các quốc gia thành viên thông qua các xa lộ đường ống năng lượng. Những đường ống này hiện đang được xây dựng, trong đó có năm đường dự kiến hoàn thành năm 2020, dài 9820 km, trị giá hơn 17 tỷ USD.

Hiện đã có 11 đường ống dẫn khí xuyên quốc gia hoạt động với tổng chiều dài hơn 3 nghìn km. Đường ống thứ 12 dài 298 km dự kiến sẽ hoạt động vào giữa năm 2014 và nhiều đường ống khác cũng đang nằm trong kế hoạch xây dựng.

Mặc dù hiện nhiều nước ASEAN đang nhập khẩu dầu từ các quốc gia khác nhưng đường ống dẫn khí xuyên ASEAN vẫn được xem là một yếu tố quan trọng để củng cố an ninh năng lượng khu vực và kết nối kinh tế.

Theo Francoise Nicolas, chuyên gia tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp có trụ sở tại Brussels, việc kết nối đường ống dẫn khí trong khu vực ASEAN không nên chỉ dừng lại trong hợp tác quản lý và phân phối mà nên tăng cường phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Thông qua những nguồn cung hiệu quả, các bên có thể duy trì được mức giá thấp có khả năng đem lại lợi ích to lớn trong hợp tác khu vực.

Tuy vậy, theo nhận xét của tờ Diplomat, hiện có rất ít cuộc thảo luận trong khối và cần thiết có thêm các cuộc đối thoại để tìm biện pháp hài hòa các cấu trúc pháp lý để thúc đẩy quá trình này. Do sự đa dạng về địa lý và trình độ phát triển không đồng đều, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho TAGP vẫn còn là một vấn đề.

Bên cạnh đó, ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến cách điều hành hệ thống đường ống, hài hòa khung giá và khung pháp lý để thuận lợi hóa việc bán và cung cấp năng lượng. Hiện nhiều dự án ở Indonesia sẽ phải trì hoãn vì có những ý kiến cho rằng chính phủ nên dự trữ lượng khí đốt phục vụ cho thị trường nội địa.

Gia tăng nhu cầu năng lượng khắp châu Á sẽ dẫn đến những cuộc cạnh tranh xuyên quốc gia về các nguồn tài nguyên có sẵn. Trong khi có nhiều nỗ lực để thúc đẩy một mô hình chia sẻ năng lượng chung của khu vực đang được tiến hành thì theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng là các quốc gia ASEAN nên chú trọng hơn đến việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, giảm tiêu hao năng lượng, xây dựng các cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.

Các tin khác