Nói và làm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu
bế mạc Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

14 giờ trước khi bước vào năm mới 2012 và chuẩn bị đón xuân Nhâm Thìn, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã bế mạc với việc thông qua 2 nghị quyết quan trọng: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; và Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ cấp bách, bởi lẽ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư).

Đây còn là điều gây bức xúc trong dư luận xã hội lâu nay, bởi vậy hiếm thấy khi nào, ngay khi Hội nghị Trung ương vừa họp xong, ngay trong thời điểm trước và sau Tết Nhâm Thìn, trên nhiều diễn đàn, các chuyên gia chính trị - xã hội, các vị nguyên lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, giới nghiên cứu... đã bày tỏ sự đồng tình cao với nhận định của Trung ương, nêu nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, có trách nhiệm về vấn đề này nhằm góp phần hiến kế các giải pháp nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, nghị quyết đã đề ra 3 vấn đề cấp bách phải chấn chỉnh, làm ngay và 4 nhóm giải pháp phải triển khai thực hiện, với mục tiêu “Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác làm” - phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã khẳng định nhận thức mới giữa nói và làm, đề cập rất nhiều lần trong nghị quyết: “Do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”; “người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo. Phải làm kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ”; “tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”; “khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”.

Nói - dễ hơn làm, việc tưởng dễ, nhưng trong công cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng không phải là điều dễ vượt qua chính mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thực sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên” (phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư).

Hội nghị Trung ương lần thứ tư tiếp tục xác định tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Do vậy cần tránh tư tưởng “mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi, hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi cố gắng và kết quả chung”. Công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay là để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược đặt ra trong thời kỳ phát triển mới - vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa bảo vệ Tổ quốc, với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mục tiêu này, mà Đảng đang gánh vác trước nhân dân, trước tiền đồ dân tộc, tính đến nay chỉ còn 8 năm nữa - là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn hiện nay. Nếu Đảng không đủ bản lĩnh và đội ngũ những người đứng đầu các ngành các cấp không vươn lên, có tư duy xứng tầm thời đại, mà chỉ mưu cầu lợi ích riêng tư thì sẽ không hoàn thành được sứ mệnh của mình như kỳ tích Đảng ta đã đạt được 82 năm qua.

Trước vận hội mới của đất nước, để quán triệt tư tưởng Hội nghị Trung ương lần thứ tư đề ra, mỗi cán bộ - đảng viên vào thời điểm này, hãy nhìn lại chính mình.

Các tin khác