Trầm bổng show biz mùa dịch bệnh

(ĐTTCO) - Không tránh khỏi sự ảnh hưởng do Covid-19 gây ra, show biz Việt có rất nhiều nghệ sĩ dở khóc dở cười vì các dự án bị tạm hoãn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để những giai điệu bổng trầm khác nhau được phô diễn khá thú vị và bất ngờ. 

Mối họa Covid-19 đang thu hút mọi sự quan tâm bằng nhiều sắc thái tâm lý của nhân loại. Và dĩ nhiên, đó cũng là đề tài của giới sáng tác âm nhạc. Tại Trung Quốc, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã chọn những giai điệu ấm áp để bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với những bệnh nhân lây nhiễm Covid-19. Hai ngôi sao phim hành động Thành Long và Ngô Kinh cùng góp mặt trong ca khúc “Tôi tin tình yêu sẽ chiến thắng”; diễn viên điện ảnh Huỳnh Hiểu Minh có ca khúc “Trái tim chúng ta ở cùng nhau”; ca sĩ Đặng Tử Kỳ ca ngợi những người kiên cường chống lại bệnh dịch bằng ca khúc “Thiên sứ bình thường”. Đặc biệt, ca khúc “Tuế tuế bình an” của ca sĩ Lý Vũ Xuân được xem là “thánh ca” của người dân vùng tâm dịch Vũ Hán trong những ngày này. 
Ở nhiều nước khác, Covid-19 cũng xuất hiện trong đời sống biểu diễn. Dựa theo giai điệu quen thuộc “Sound of Silence” của Simon & Garfunkel, nhạc sĩ Singapore - Alvin Oon viết thành ca khúc “Fight the virus” (Chống lại virus), đã vang lên ở đảo quốc sư tử như lời nguyện cầu cho tương lai tươi đẹp. Ca từ của “Chống lại virus” có những câu nồng nhiệt: “Mọi người lo lắng cho sức khỏe của mình và những người thân yêu. Viêm phổi! Chúng tôi tiếp tục chống lại virus. Giữ tay luôn sạch sẽ. Vệ sinh sạch sẽ ngăn chặn virus phát triển. Đeo khẩu trang nếu bạn bị bệnh để người khác cũng không bị như vậy. Chúng tôi tin tưởng vào bạn, để giúp chống lại virus”.
Trầm bổng show biz mùa dịch bệnh ảnh 1 Vở kịch “Cây tre thần” sẽ ra mắt khán giả thủ đô vào đầu tháng 3.
Còn tại Việt Nam, các nhạc sĩ cũng phản ứng rất nhanh nhạy trước sự ảnh hưởng của Covid-19. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng là người đầu tiên khởi xướng phong trào sáng tác theo chủ đề này, với bài “Đại dịch Vũ Hán”. Đồng hành cùng chồng, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng là nữ nhạc sĩ Sa Huỳnh, cũng viết ca khúc “Đôi mắt nCoV” để ủng hộ đội ngũ y bác sĩ: “Ngày đêm cứu chữa cho đồng loại. Đành quên mất thân mình hiểm nghèo. Tấm lòng này người có thấu. Khi gia đình đành phải cách xa đêm ngày. Vì đã khoác lên trên mình tấm áo hy sinh...”. Còn nhạc sĩ Vũ Minh Vương có ca khúc “Đại dịch corona” thể hiện sự lạc quan: “Những ngày đen tối sẽ qua đi. Tình người ở lại. Vầng dương lại tỏa sáng trong trái tim mỗi con người”.
Tuy nhiên, xôn xao nhất trên các diễn đàn âm nhạc là ca khúc “Đánh giặc corona” của Lê Thống Nhất. Dù là một tiến sĩ toán học, nhưng Lê Thống Nhất không hề ngần ngại cất giọng cổ vũ phấn khích: “Đánh giặc Corona. Đoàn kết toàn dân ta, đánh giặc Corona. Từ trẻ đến người già, đánh giặc Corona. Ngành y là xung kích, thề quyết thắng đại dịch. Hòa chung một bài ca, đánh giặc Corona, vì hạnh phúc chúng ta…”. Với kiểu ca khúc như “Đánh giặc corona”, người khen nhiều và người chê cũng lắm. 
Khác với âm nhạc có thể hào hứng trên không gian mạng, sân khấu đối diện Covid-19 bằng sự ái ngại. Tung ra nhiều vở kịch được dàn dựng công phu để phục vụ khán giả trong tháng Giêng, nhưng hàng loạt sân khấu tại TPHCM phải tạm đóng cửa để né dịch. NSUT Trịnh Kim Chi là người đầu tiên thông báo ngừng lịch diễn tại Sân khấu TKC, với tâm sự: “Tôi cũng chưa biết chừng nào sẽ mở cửa lại sân khấu vì tình hình dịch bệnh khó lường quá. Doanh thu bán vé cũng giảm mạnh những ngày sau Tết Nguyên đán. Bởi vậy, việc tạm đóng cửa sân khấu là hoàn toàn hợp lý. Các diễn viên họ cũng hiểu và thông cảm vì ai cũng đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu”.
NSND Hồng Vân trước Tết Canh Tý khai trương tụ điểm mới tại Chợ Lớn cũng phải chấp nhận thực tế không có gì vui vẻ này. Dù 3 vở mới “Tám thần tài”, “Oan hồn truyện” và “Ma nữ không chồng” đều bán vé rất chạy, nhưng với tư cách bầu show, NSND Hồng Vân khẳng định: “Chúng ta hãy cùng chung tay vượt qua bệnh dịch và mong mọi người đừng hoang mang, lo nghĩ nhiều. Khán giả nào đã lỡ mua vé, chúng tôi sẽ hoàn lại tiền. Còn nếu quý vị vẫn ủng hộ cứ giữ vé, chờ đến khi sàn diễn sáng đèn trở lại, chúng tôi sẽ phục vụ”. Cũng có chung suy nghĩ, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn treo biển thông báo “hủy” các suất diễn tại Sân khấu IDECAF, dù hai vở “Ác nhân cốc” và “Mưu bà Tú” đang rất đắt khách. 
Sân khấu đóng cửa, vẫn phải trả phí mặt bằng và trả lương nhân công, khiến không ít bầu show lo lắng. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch lan rộng, ai cũng ủng hộ chủ trương hoãn các sinh hoạt cộng đồng để tập trung ngăn chặn. Chưa bầu show nào dám khẳng định có thể mở cửa lại sớm hơn… thời điểm nhập học của các trường trên địa bàn. Trong khi sân khấu TPHCM tạm ẩn mình trước dịch Covid-19, sân khấu Hà Nội lại có tụ điểm quyết định đột phá. Ngày 20-2 vở kịch “Cây tre thần” của sân khấu Lệ Ngọc, Hà Nội đã được tổng duyệt để chuẩn bị ra mắt khán giả thủ đô vào đầu tháng 3. 
Dựa theo tích “Cây tre trăm đốt” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, vở kịch “Cây tre thần” mong muốn mang lại thông điệp mới mẻ về quan hệ giữa con người với con người, và con người với thiên nhiên. Từ kịch bản của tác giả Lê Thế Song, đạo diễn Bùi Như Lan đã dàn dựng vở kịch “Cây tre thần” không chỉ khiến thiếu nhi thích thú mà người nước ngoài cũng cảm nhận được văn hóa Việt Nam: “Theo mô-típ chung của các truyện cổ tích Việt Nam, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác. Có ý kiến cho rằng đó là suy nghĩ một chiều, tuy nhiên theo góc nhìn văn hóa đó là khát vọng của dân tộc, là khát vọng luôn luôn hoàn thiện bản thân. Người nhân hậu sẽ biết cách vượt qua cái ác để cái tốt được trường tồn và có sức lan tỏa” - đạo diễn Bùi Như Lan chia sẻ.  
Là người đầu tư cho vở kịch, NSND Lệ Ngọc bộc bạch: “Chúng ta đang ở thời đại 4.0, các em nhỏ rất thông minh nên không thể bắt các em tin vào những điều phi lý. Chúng tôi phải dùng hình ảnh và các trò trong diễn xuất để các em tin vào câu chuyện. Vẫn là thần thoại nhưng cây tre không thể có 100 đốt mà đó là cây tre thần. Biến cây cây tre trăm đốt thành cây tre thần, từ đó chúng tôi lý giải ý nghĩa, sức mạnh của cây tre, lũy tre trong văn hóa, đời sống của người Việt, để các em nhỏ biết cây tre đã bảo vệ người Việt như thế nào”.
Gắn bó với sân khấu Lệ Ngọc có một nhân vật được công chúng đặc biệt quan tâm là nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trang phục Việt. Không chỉ giữ vai trò thiết kế trang phục cho các vai diễn, Sĩ Hoàng còn đóng vai Quan Bạch Hổ trong vở kịch “Cây tre thần”. Với hình dạng Quan Bạch Hổ khá ấn tượng do nghệ sĩ hóa trang Tố Loan và bác sĩ nha khoa Trần Long chăm chút cho mình, Sĩ Hoàng rất thích thú: “Nhìn bề ngoài của Quan Bạch Hổ, khán giả sẽ hiểu thế nào là tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. 

Các tin khác