TPHCM: Thị trường lao động việc làm còn trầm lắng

(ĐTTCO)-Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 tháng qua gần như chững lại, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm mạnh.
TPHCM: Thị trường lao động việc làm còn trầm lắng

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động tại thành phố trong 5 tháng qua gần như chững lại, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm mạnh.

Cụ thể, nhu cầu lao động của thành phố trong quý 1/2020 là 65.430 chỗ làm việc, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu rơi vào một số ngành nghề như vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch.

Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang quý 2 với dự báo nhu cầu tuyển dụng cần 47.000 lao động, tiếp tục giảm 37,33% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da...

Hiện tại, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng là Thương mại-điện tử; công nghệ thông tin với các ngành lập trình, thiết kế web, thiết kế game online; hành chính-văn phòng; y tế-chăm sóc sức khỏe; dịch vụ tư vấn-chăm sóc khách hàng (tư vấn trực tuyến); marketing; chế biến lương thực-thực phẩm; dược phẩm; vận tải (dịch vụ giao hàng); công nghệ tài chính; giải trí trực tuyến...

Đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp như: Sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến... có xu hướng làm việc ngắn hạn, tạm thời.

Nhu cầu việc làm tập trung ở những ngành nghề đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc.

Người lao động cần trang bị kỹ năng cần thiết cho bản thân, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dịch chuyển việc làm để ổn định công việc, hãy đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này - đại diện Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Ghi nhận tại 10 văn phòng trực thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện bình quân mỗi ngày các đơn vị tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ tìm việc. Trong đó, phần đông người tìm việc là lao động phổ thông, sinh viên học sinh tìm việc làm bán thời gian, kinh doanh hay giúp việc văn phòng...

Ngược lại, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng rất ít, do phần lớn các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, một số đang trong tiến trình khởi động, phục hồi lại sản xuất phù hợp với tình hình mới.

Một số doanh nghiệp đang xây dựng lại kế hoạch đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến hoàn thành kế hoạch năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố, hiện nhiều doanh nghiệp đã đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng trong những tháng tới từ vài chục lên đến vài trăm lao động.

Các chỉ tiêu tập trung ở ngành nghề như kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, lái xe, vận tải, chuyển phát nhanh, giao hàng, chăm sóc khách hàng, ngân hàng, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, thu ngân...

Trước mắt, Trung tâm sẽ thực hiện khảo sát trực tiếp nhu cầu lao động, tìm việc của thanh thiếu niên, sinh viên tại các trường học, quận huyện đoàn. Đồng thời tiến hành tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ và tuyển dụng trực tiếp thông qua chương trình tiếp sức người lao động, sàn giao dịch việc làm, cà phê việc làm, tuyển dụng tại các doanh nghiệp, văn phòng của trung tâm... vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2020.

Mới đây, khảo sát của VietnamWorks cho thấy, sau giãn cách xã hội có đến gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh.

Về thời gian hoạt động tuyển dụng trở lại, có đến 39% doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng; trong đó 14% khôi phục hoạt động tuyển dụng ngay; 8% chọn nửa tháng sau và 17% chọn phương án khôi phục 1 tháng sau...

Các tin khác