Tôn trọng mỹ tục

(ĐTTCO) - Một ý tưởng giữ gìn sự trang nghiêm cho di tích văn hóa tâm linh vừa được áp dụng tại Tháp bà Ponagar, rất được hoan nghênh. Đó là việc Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa may sẵn hơn 100 bộ áo dài vải lam cho khách mượn khi muốn chiêm bái địa danh này. Mỗi năm, Tháp bà Ponagar thu hút hàng vạn khách thập phương. Tuy nhiên khách nội địa lẫn khách quốc tế đều ăn mặc rất vô tư khi đến thăm viếng. Thậm chí, du khách mặc quần cộc, váy ngắn, áo dây cũng hồn nhiên nhang khói trước đền đài ngàn tuổi mang dấu vết bao thế hệ tiền nhân. Ông Trần Văn Bình, Trưởng ban Quản lý di tích Tháp bà Ponagar, cho biết du khách được hướng dẫn đến tủ áo dài để mượn trang phục tỏ ra rất thích thú và hưởng ứng chủ trương tôn trọng mỹ quan.

(ĐTTCO) - Một ý tưởng giữ gìn sự trang nghiêm cho di tích văn hóa tâm linh vừa được áp dụng tại Tháp bà Ponagar, rất được hoan nghênh. Đó là việc Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa may sẵn hơn 100 bộ áo dài vải lam cho khách mượn khi muốn chiêm bái địa danh này. Mỗi năm, Tháp bà Ponagar thu hút hàng vạn khách thập phương. Tuy nhiên khách nội địa lẫn khách quốc tế đều ăn mặc rất vô tư khi đến thăm viếng. Thậm chí, du khách mặc quần cộc, váy ngắn, áo dây cũng hồn nhiên nhang khói trước đền đài ngàn tuổi mang dấu vết bao thế hệ tiền nhân. Ông Trần Văn Bình, Trưởng ban Quản lý di tích Tháp bà Ponagar, cho biết du khách được hướng dẫn đến tủ áo dài để mượn trang phục tỏ ra rất thích thú và hưởng ứng chủ trương tôn trọng mỹ quan.

 Đành rằng, chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu và chiếc áo đẹp đẽ cũng không làm nên du khách. Thế nhưng, một chiếc áo dài kín đáo có giá trị làm nên phong cách và tinh thần của một khu du lịch hoặc một quần thể du lịch. Nếu phương pháp ấn tượng của Tháp bà Ponagar được nhân rộng, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được nâng lên trong mắt du khách. 100 bộ áo dài vải lam, không phải đầu tư tài chính quá lớn, nhưng lại tạo ra hiệu quả không nhỏ cho chiều sâu di tích văn hóa tâm linh.

 Thời gian gần đây, dư luận liên tục kêu ca về sự bát nháo của các hoạt động du lịch gắn với di tích. Ngoài tình trạng bán mua luộm thuộm, chuyện ăn mặc của du khách cũng là vấn nạn mang lại nhiều hệ lụy ê chề. Nhất là du khách quốc tế, họ đến từ nền văn minh khác, do vậy phải thiết lập sự kết nối cần thiết để thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau. Một chiếc áo nền nã khi vào viếng di tích, cũng là một dấu son khó quên cho họ trong hành trình khám phá văn hóa Việt Nam.

Du lịch phải tính đến bài toán lợi nhuận, nhưng du lịch không phải ngành kinh tế chụp giật nhất thời. Sản phẩm du lịch càng tử tế, tương lai phát triển càng bền vững. Nhân chuyện 100 chiếc áo dài vải lam ở Tháp bà Ponagar cũng khiến chúng ta nghĩ đến chuyện cho thuê… trang phục vua chúa ở các điểm tham quan. Không chỉ tại cố đô Huế, nhiều điểm du lịch cũng xây dựng cung điện để cho du khách đóng vai hoàng đế và hoàng hậu. Nếu những ai đã từng vào bảo tàng để xem tận mắt hiện vật lịch sử, sẽ nhận ra cái ngai vàng lẫn ngự bào đều mô phỏng rất cẩu thả. Khoác cân đai mũ mão của vương triều để đóng vai thiên tử vài giây cũng là một thú vui, nhưng điều ấy lại phát sinh nhiều điều chẳng hay ho gì. Thứ nhất, ngộ nhận lầm lạc về trang phục vua chúa. Thứ hai, những sự chèo kéo ồn ào giả mạo thiên tử rất lố bịch.

Mỗi chiếc áo dù bằng chất liệu gì và dù sang hèn thế nào, cũng tiêu biểu cho một giai đoạn quá khứ. Chiếc áo ở nơi di tích cũng là một thông điệp dành cho du khách.

Các tin khác