Tiểu thương TPHCM trông chờ chính sách kích cầu

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của không ít người tiêu dùng, do đó, hỗ trợ tiểu thương khôi phục kinh doanh, thay đổi cách thức bán hàng là điều cần thiết lúc này.
Trung tâm thương mại An Đông Plaza ít người mua sắm
Trung tâm thương mại An Đông Plaza ít người mua sắm

Dù dịch bệnh Covid-19 ở trong nước đang tạm lắng xuống, nhưng quầy túi xách của chị Nguyễn Thị An – tiểu thương ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TPHCM vẫn vắng khách; có ngày chỉ bán được 1-2 món, chưa đủ trang trải chi phí quầy sạp. Thực tế kinh doanh của chị An đang là tình cảnh chung của các tiểu thương buôn bán trong chợ truyền thống ở TPHCM. Cho nên, với họ lúc này, điều cần thiết là một chính sách kích cầu để tăng sức mua của thị trường.

“Nếu được hỗ trợ thì nhà nước nên giảm thuế cho tiểu thương. Vì ngày truớc nguời ta mua mỗi lần vài món hàng, còn bây giờ cần lắm thì chỉ mua một, hai món”, chị An nói.

Trung tâm thương mại An Đông Plaza, Quận 5 vốn là nơi tấp nập, nhưng nay cũng chung tình trạng ế ẩm. Theo nhiều người kinh doanh buôn bán ở đây, từ khi có dịch bệnh Covid-19, thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi; không còn đến mua sắm trực tiếp mà chuyển sang hình thức online. Vì vậy, nhiều tiểu thương cho rằng, ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ đa dạng kênh bán hàng.

“Cần tạo một phiên chợ online của riêng quận 5, hoặc của Trung tâm thương mại; tổ chức thường xuyên để khách ngoại tỉnh và khách mua lẻ ở nhà có thể mua hàng online. Thành phố nên hỗ trợ vì tiểu thương chưa rành công nghệ để quảng bá hình ảnh hàng hóa trên online, cập nhật những hình ảnh, thông tin mới hàng ngày lên”, chị Trang, tiểu thương bán quần áo ở Trung tâm thương mại An Đông Plaza đề nghị.

Theo chị Phúc, hộ kinh doanh sản phẩm trầm hương ở Trung tâm thương mại An Đông Plaza, chị cũng đang có ý định mở website bán hàng online, nhưng gặp nhiều khó khăn như: kiến thức về công nghệ, vấn đề pháp lý và nhất là cách tạo được niềm tin cho khách hàng mua bán trên mạng. Chị Phúc cho rằng, nếu ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ tiểu thương khắc phục các hạn chế này thì việc kinh doanh sẽ rất hiệu quả.

“Nên tổ chức tập huấn cho tiểu thương kiến thức bán hàng online thủ tục pháp lý như thế nào là hợp pháp. Nhà nước hỗ trợ cho tiểu thương thuế trong thời gian ban đầu bán hàng online, vì thời gian đầu muốn bán được hàng chúng tôi phải miễn phí ship (vận chuyển) cho khách hàng. Tôi muốn nhà nước kích cầu bằng cách miễn, giảm thuế trong 1 khoảng thời gian bao lâu đó để khách hàng nhận diện được thương hiệu hoặc tạo được uy tín với khách hàng thì thu thuế”, chị Phúc kiến nghị.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của không ít người tiêu dùng, cho nên cách tiếp thị kinh doanh của người buôn bán cũng cần phải thay đổi. Tuy nhiên, để làm được điều này, tiểu thương rất cần có chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

Các tin khác