Thủy lợi... gây bất lợi

(ĐTTCO) - Được kỳ vọng rất lớn nhưng 2 công trình thủy lợi lớn ở Gia Lai và Đắk Nông có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng khi triển khai xây dựng có quá nhiều bất cập. Nhiều thửa ruộng nằm cạnh công trình thủy lợi nhưng không lấy được nước tưới.
Công trình 90 tỷ đồng không sử dụng được

Thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Công trình được xếp vào nhóm dự án cấp bách với mục tiêu cung cấp nước tưới cho 1.000ha cây trồng, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ trong năm, cũng như cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực.

Dự án khởi công vào tháng 11-2017 do Công ty TNHH MTV Cao Thắng làm đơn vị thi công. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào tháng 11-2019. Tuy nhiên, khi thi công được khoảng 80% khối lượng, đến tháng 11-2018, nhà thầu xin chấm dứt hợp đồng, buộc chủ đầu tư thuê đơn vị khác hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đến nay, dự án vẫn dở dang và bộc lộ nhiều bất cập, nhất là phần kênh xây quá thấp so với mặt ruộng.

Thủy lợi... gây bất lợi ảnh 1Kênh dẫn nước của Thủy lợi Suối Đá được thiết kế sâu dưới đất nên người dân không thể đưa nước vào ruộng. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Có mặt tại cánh đồng thôn 12, xã Quảng Hòa, chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích ruộng khô khốc, nhiều thửa ruộng lúa đang ra đòng bị héo cong, hư hỏng, mặt ruộng nứt nẻ nhiều chỗ vì không có nước. Nhiều ruộng lúa nằm cạnh kênh dẫn nước vẫn chết khát vì kênh được thiết kế thấp hơn so với mặt ruộng rất nhiều. Ông Giàng A Tú (xã Quảng Hòa) cho biết, năm nay, gia đình ông có nguy cơ thiếu gạo ăn vì hơn 1,2 sào lúa bị thiếu nước, đang dần chết khô.

“Trước đây, hệ thống kênh cũ dù không đảm bảo nước thường xuyên nhưng hệ thống kênh vẫn cao hơn mặt ruộng, người dân dễ dàng dẫn nước vào ruộng. Từ ngày kênh thủy lợi mới được đầu tư xây dựng, người dân chưa được hưởng lợi gì đã mất luôn tuyến kênh cũ. Giờ muốn lấy nước vào ruộng thì phải dùng máy bơm, nhà nào không có tiền mua máy bơm thì nhìn... lúa chết. Chưa lúc nào nông dân chúng tôi điêu đứng như lúc này”, ông Tú ngán ngẩm.  

Giải thích việc kênh dẫn nước thiết kế ngầm dưới đất, đại diện chủ đầu tư cho rằng, khu vực trên không nằm trong quy hoạch diện tích nước tự chảy của dự án. Sau khi dự án hoàn thành, những diện tích trên phải dùng bơm động lực để tưới. 

Chưa nghiệm thu đã hỏng

Thủy lợi Pleikeo (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có tổng kinh phí xây dựng 119 tỷ đồng do UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư, với mục tiêu cấp nước tưới cho 400ha lúa và 100ha hoa màu ở xã Ayun. Tháng 8-2020, khi công trình cơ bản thi công xong, chưa nghiệm thu bàn giao, phần kênh dẫn dài 15km đã hư hỏng nhiều nơi.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT tỉnh đã kiểm tra và phát hiện công trình có nhiều hư hỏng: các tuyến kênh khi vận hành có nguy cơ bị đất đá vùi lấp; rãnh thoát nước hạ lưu cống qua đường là rãnh đào thấp hơn địa hình xung quanh nên nguy cơ bị đất đá vùi lấp; một số vị trí cục bộ có hiện tượng rạn nứt chân chim phần bê tông tường kênh và tấm đan đậy nắp kênh; một số vị trí tiếp giáp giữa thanh giằng kênh và tường kênh chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng; một số thanh giằng bị nứt, vỡ, hư hỏng.

Tại một số cống, phần gia cố bằng bê tông mái ngoài kênh trên cống tiêu bị sụt lún, hư hỏng, hở hàm ếch...  Chưa hết, khi công trình đã khắc phục xong các hư hỏng thì một đoạn kênh dài hàng chục mét đổ sập hoàn toàn. Đến nay, qua nhiều sửa chữa, các tuyến kênh của Thủy lợi Pleikeo vẫn tiếp tục hư hỏng, công trình chưa thể nghiệm thu. 

Ngoài việc thi công kém khiến Thủy lợi Pleikeo liên tục bị hỏng, việc thiết kế công trình này ngay từ đầu đã có nhiều bất cập. Đơn cử, rất nhiều đoạn kênh đã thi công xong nhưng không thể dẫn nước vào ruộng do thấp hơn mặt ruộng. Để có nước tưới, hàng trăm hộ nông dân trong khu vực phải bắt ống để dẫn nước từ suối dọc núi về ruộng.

Ông Trần Minh Triều, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Chư Sê cho biết, đơn vị thi công đã làm đúng hồ sơ thiết kế. Còn hướng xử lý việc kênh chính cao hơn ruộng, nước không tự chảy vào; sau này địa phương sẽ cấp máy bơm để người dân bơm nước từ kênh vào ruộng.

Các tin khác