Thưởng thức nghệ thuật bằng tiền

(ĐTTCO) - Một trong những triển lãm đang gây chú ý tại TPHCM là dự án nghệ thuật đương đại “0395A.ĐC” của họa sĩ Ly Hoàng Ly.

 Triển lãm kéo dài từ ngày 10-8 đến 17-9. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ không phải vì quy mô tác phẩm dàn dựng phải cần đến sự trợ giúp của đội ngũ kỹ thuật một doanh nghiệp ô tô nổi tiếng, mà vì phải mua vé vào cửa. Giá vé không đắt, 35.000 đồng cho mỗi người sử dụng suốt thời gian triển lãm. Với sinh viên, giá vé chỉ 25.000 đồng, còn dưới 16 tuổi miễn phí. Thế nhưng, không ít công chúng mỹ thuật xầm xì bàn ra tán vào, bởi lâu nay người Việt vẫn chưa có thói quen trả tiền xem triển lãm.

Trải qua một giai đoạn bao cấp khá lâu, chuyện đi xem triển lãm được mặc định là hoạt động cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Do đó, bước vào kinh tế thị trường, các họa sĩ muốn trưng bày tác phẩm đều phải chịu chi phí từ mặt bằng cho đến bánh trái phục vụ lễ khai mạc và bế mạc. Phần lớn triển lãm mỹ thuật đều có nhà tài trợ, nên ngày cắt băng chúc mừng phòng tranh ra mắt, bao giỡ cũng rất xôm tụ những người nâng ly. Thậm chí, không khí ăn uống tưng bừng đến mức khó phân biệt những vị khách có mặt vì nghệ thuật tạo hình hay nghệ thuật ẩm thực.

Triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly có tựa “0395A.ĐC” thu hút đông đảo công chúng và giới nghệ sĩ đến tham quan.
 Hầu hết triển lãm ở các quốc gia văn minh trên thế giới đều bán vé. Riêng tại nước ta những nhà hoạt động mỹ thuật vừa làm vừa run. Năm 2010, triển lãm Restart của một nhóm nghệ sĩ Hà Nội, đã bán vé tượng trưng 5.000 đồng/người, nhưng có “khuyến mại” bia hơi. Năm 2013, chương trình nghệ thuật đương đại “Recycle” kết hợp body art và múa của Phương Vũ Mạnh, Đoàn Minh Hoàn và Vũ Nhật Tân, đã bán vé 150.000 đồng/người. Năm 2015, đến lượt 3 họa sĩ Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh và Bùi Hải Sơn chọn sảnh lớn của khách sạn 5 sao tại TPHCM để tổ chức triển lãm “Filter”, với giá vé ngày khai mạc lên tới 3,6 triệu đồng/cặp. 

Đành rằng, việc bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật là điều rất bình thường, nhưng thực tế đời sống văn hóa nước ta lại thấy nan giải quá. Triển lãm bán vé chắc chắn ít khách hơn triển lãm miễn phí, nên họa sĩ đã nhọc nhằn sáng tạo luôn mong muốn nhiều người để mắt đến tác phẩm của mình. Lắm phen, việc bán vé triển lãm giống như cuộc thương lượng đầy cam go giữa họa sĩ và nhà tổ chức.

Không chỉ có thói quen xem triển lãm miễn phí, nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. NSƯT Chí Trung khi nhận quyết định làm Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ bày tỏ quan điểm: “Tôi cương quyết không chấp nhận chuyện vé mời. Tôi cho rằng, cách để tiêu diệt nghệ thuật nhanh nhất chính là mời khán giả. Hãy so sánh với việc đi ăn sáng, nếu mình đi ăn bằng tiền của chính mình bao giờ cũng sẽ thấy ngon hơn được người khác mời”.

Các tin khác