Thủ tướng yêu cầu thực hiện bằng được chiến lược vaccine, đẩy lùi dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được chiến lược vaccine. Thủ tướng yêu cầu ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thực hiện thần tốc, hiệu quả chiến lược vaccine Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thực hiện thần tốc, hiệu quả chiến lược vaccine Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế

Quyết liệt, thần tốc thực hiện chiến lược vaccine Covid-19

Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều ngày 24-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đợt bùng phát dịch thứ 4 do biến chủng của virus lây lan nhanh, khó kiểm soát, diễn ra trên diện rộng, nhất là ở khu công nghiệp.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ quyết tâm đẩy lùi đợt dịch này, kiên trì thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế-xã hội để có cơ sở vật chất, tiềm lực cho việc bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và mọi mặt hoạt động khác của đất nước.

Tình hình dịch sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, có thể ảnh hưởng tới nhiều hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hoạt động của các khu công nghiệp và một số trung tâm kinh tế lớn, Thủ tướng yêu cầu phải nhận định khách quan để quyết tâm cao hơn, thích ứng với diễn biến mới bằng các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Các nhiệm vụ được yêu cầu tập trung là các Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao gấp rút sơ kết công việc vừa qua. Đồng thời tập trung hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, vừa thực hiện mục tiêu chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cộng đồng.
Chiến lược vaccine được yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng khẳng định Chính phủ tập trung chỉ đạo; các bộ, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được chiến lược vaccine. Với phương châm quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn.

Trong nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, Thủ tướng lưu ý các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phải vào cuộc. Bộ Tài chính thiết kế chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vaccine. Có kế hoạch tiêm phù hợp, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch; huy động mọi nguồn lực đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phải triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện bằng được chiến lược vaccine, đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 1 Thủ tướng khẳng định Chính phủ quyết tâm đẩy lùi đợt dịch này, kiên trì thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP
Hoàn thiện chiến lược phòng dịch trong khu công nghiệp
Bên cạnh vaccine, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chiến lược phòng chống dịch trong khu công nghiệp. Thủ tướng đánh giá, phải tiếp tục rà soát lại các quy trình, quy chế về khai báo y tế, phòng chống dịch, cách ly và tổ chức sản xuất trong khu công nghiệp. Yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các địa phương nhanh chóng xây dựng, vừa làm vừa hoàn thiện dần các quy định, để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng chống dịch trong khu công nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý vải thiều Bắc Giang đã vào mùa. Đây là nông sản có giá trị rất lớn. Bộ Công Thương phải trực tiếp đến Bắc Giang bàn bạc với địa phương, để có giải pháp cụ thể thích ứng với tình hình.

Bên cạnh đó là lưu ý truyền thông phải kịp thời, chính xác, hiệu quả; khích lệ, truyền cảm hứng để nhân dân hiểu rõ về tình hình, diễn biến dịch bệnh, cùng chia sẻ, đóng góp. Thủ tướng sẽ có thư động viên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó chủ đạo là ngành y tế.

Theo Thủ tướng, Bộ Y tế, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, người lao động trong ngành đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, các lực lượng quân đội, công an luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao và chi viện, hợp tác với các cơ quan, địa phương.

Vào buổi sáng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã họp trực tuyến với Bắc Ninh, Bắc Giang. Hai tỉnh cho biết đang lên phương án mở cửa cho các nhà máy, KCN hoạt động trở lại, có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Việc mở cửa trở lại sản xuất, các khuyến cáo đưa ra là ngoài tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch, các nhà máy, KCN phải thực hiện phân vùng khu vực, bộ phận, phân xưởng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú của công nhân. Để nơi nào có ca nhiễm thì khoanh vùng lập tức, xét nghiệm trả kết quả trong vòng 24 giờ, và những bộ phận, khu vực khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.
Các công nhân phải khai báo y tế, được theo dõi sức khỏe, xét nghiệm định kỳ với sự tham gia của DN cùng với Nhà nước. DN cần có những quy định cụ thể hạn chế số người tiếp xúc của mỗi công nhân. Phải hhết sức chú ý đến những bộ phận gián tiếp, hành chính, vốn tiếp xúc nhiều với các phân xưởng, khu vực sản xuất khác nhau.   

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn, khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước. Dịch xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch cùng thời điểm, xuất hiện nhiều biến chủng mới, với khả năng lây nhanh, rộng hơn, mạnh hơn.

Mặc dù vậy, đợt dịch thứ 4 này vẫn đang được kiểm soát, do hầu hết các trường hợp mắc mới đã xác định được nguồn lây. Các trường hợp nhiễm đã được cách ly từ trước hoặc phát hiện trong khu vực phong tỏa.

Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bùng phát với số ca mắc cao, xảy ra tại khu công nghiệp và lây lan ra cộng đồng.

Hai địa phương đã quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng hoạt động của một số khu công nghiệp, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan. Bộ trưởng Y tế nhận định các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận, do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang từng bước được kiểm soát.

Các tin khác