Thủ tướng: Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế xã hội

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã qua 100 ngày, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, tất cả vì ấm no, an toàn cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu nhất định không để thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế, không để khủng hoảng y tế. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu nhất định không để thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế, không để khủng hoảng y tế. Ảnh: VGP

Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội

Kết luận hội nghị Chính phủ với 63 tỉnh, thành triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 ngày 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng. Chính phủ đã tích cực, quyết liệt phòng chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại những nơi an toàn về phòng chống dịch.

Mục tiêu cuối cùng là vì ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở TPHCM và các tỉnh xung quanh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng nhiều địa phương ở miền Nam, miền Trung.

Thủ tướng nhấn mạnh, hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, để mỗi cơ sở là pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ chống dịch, tuân thủ giãn cách “ai ở đâu ở đấy”. Tuy nhiên, phải bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho người dân.

Khi tình hình đã phức tạp, phải phân loại F0 theo tình trạng bệnh, phân tầng điều trị để tập trung lực lượng y tế cứu chữa những người bệnh nặng, giảm tối đa tử vong. Thủ tướng yêu cầu không được để thiếu nhân lực và trang thiết bị y tế cần thiết, đặc biệt là oxy y tế và máy thở.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trên phạm vi cả nước trong lúc này là tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất.

Thủ tướng: Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế xã hội ảnh 1 Giữa bùng phát đại dịch tại TPHCM, nhiều người lao động đành chấp nhận rời thành phố về quê tránh dịch.

Theo Thủ tướng, kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa sản xuất đã có tại nhiều địa phương, và việc tổ chức sản xuất tốt cũng là một biện pháp cách ly, nếu an toàn.

"Một mục tiêu khác là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ Covid-19 tạm thời chưa có thuốc điều trị, vì vậy, phải xác định cuộc chiến còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả. Ông lưu ý kể cả khi có vaccine cũng không được mất cảnh giác mà phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp chống dịch phù hợp từng nơi, từng lúc. Phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vaccine và ý thức của người dân kết hợp các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.

Với TPHCM và các tỉnh đang có diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Cùng với đó, TPHCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường bệnh viện hồi sức cấp cứu mức độ cao hơn. Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp. Yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

Đặc biệt là động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên để sức chiến đấu lâu dài.
Thủ tướng kêu gọi các địa phương san sẻ, ưu tiên vaccine cho TPHCM
Thủ tướng: Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế xã hội ảnh 2 Tiêm ngừa kịp thời là giải pháp kéo giảm lay nhiễm Covid-19 cho người dân TPHCM lúc nay. Ảnh: HCDC
Thủ tướng cũng tán thành với nhiều ý kiến tại hội nghị là phải ưu tiên vaccine cho TPHCM. Ông kêu gọi các địa phương cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TPHCM, Hà Nội và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn cần tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt hơn nữa chiến lược vaccine, đẩy mạnh ngoại giao vaccine, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Việc tổ chức tiêm cần kịp thời, hiệu quả, không để lãng phí vaccine và thời gian.

Với việc sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng yêu cầu rút gọn các thủ tục về hành chính, để tập trung kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cấp phép vaccine trong nước. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch. Đồng thời tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.

Về hỗ trợ người lao động ảnh hưởng đại dịch, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại TPHCM và các tỉnh có khu công nghiệp nói riêng, người bị mất thu nhập nói chung, trên cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm.  

Bộ Tài chính cần phân bổ thêm ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nguồn lực trên cơ sở cân đối ngân sách và tiết kiệm.

Theo Thủ tướng, Việt Nam chống dịch trong điều kiện của một đất nước đang phát triển với những đặc thù riêng. Do đó phải cân đối nguồn lực, có các giải pháp phù hợp, huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp chung sức, chung lòng; phát huy truyền thống tương thân tương ái của người dân. Huy động nguồn lực cả về tinh thần và vật chất.

Các tin khác