Thu gom nước mưa góp phần chống ngập

(ĐTTCO) - Là một trong những nguồn nước có thể thu hồi, xử lý để trở thành nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân, thế nhưng nước mưa lại đang trở thành “tội đồ” khi góp phần gây ngập cho TPHCM. 
Nghịch lý này lại càng rõ nét hơn khi với tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa ở TPHCM ngày một nhiều hơn, trong khi việc sản xuất nước sạch ngày càng gặp khó. 

Hai bể chứa, đủ nước tưới cho gần hết mùa khô
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, là kiến trúc sư thiết kế Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM, cho biết, với 2 bể thu gom nước mưa, một đặt ở trên mái có dung tích 170m3 và một đặt dưới hầm ngầm có dung tích 200m3, Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM cơ bản trữ đủ nước tưới cho toàn bộ cây xanh trong mùa khô.
Thu gom nước mưa góp phần chống ngập ảnh 1 Không gian chứa nước liền kề kênh tại một khu dân cư ở phường Tân Phong, quận 7
Ảnh: CAO THĂNG
Cũng theo ông, ý tưởng làm bể thu nước mưa xuất phát từ việc cả kiến trúc sư lẫn chủ đầu tư đều cho rằng công trình phải là không gian để thiếu nhi thành phố có cơ hội được gần gũi với thiên nhiên, do đó phải được thiết kế với các tiêu chí xanh như tiết kiệm năng lượng, đưa thiên nhiên vào công trình…
TPHCM có mùa mưa kéo dài tới 6 tháng với vũ lượng ngày càng lớn, tại sao không thu gom nguồn nước này và tái sử dụng cho việc tưới cây trồng trong khuôn viên, một việc vừa giúp tiết kiệm năng lượng cũng như chi phí sản xuất nước sạch, vừa góp phần giảm ngập cho TPHCM?
Bàn như vậy và hai bên đã cùng quyết xây 2 bể chứa nước mưa. Cùng với công trình này, còn có một hệ thống tưới nước nhỏ giọt được lắp đặt. Kết quả là “trái ngọt”: Nhà Văn hóa Thiếu nhi đã đi vào hoạt động nhiều năm mà không còn phải lo nhiều về chi phí nước tưới cây.  
Nhìn ở góc độ một nhà khoa học về môi trường, TS Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TPHCM), nguyên Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM, cho rằng nước mưa ở thành phố khá sạch, ít bị ô nhiễm, nên việc thu gom, tái sử dụng là việc nên làm. Theo nhiều chuyên gia về đô thị, kinh tế, TPHCM có điều kiện tự nhiên và kinh tế để thực hiện việc này.
Hiện chi phí xây dựng bể chứa nước bằng bê tông cốt thép vào khoảng 4 triệu đồng/m3, khá phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người dân thành phố. TPHCM đang triển khai xây dựng nhiều khu dân cư cũng như khu đô thị mới. Với công nghệ xây dựng ngày càng hiện đại, việc xây dựng các bể thu gom nước ở các nhà cao tầng có diện tích mái lớn hoặc làm bể nước ngầm dưới hầm các chung cư ngày càng dễ và rẻ hơn. Xây dựng các hồ điều tiết nước chống ngập cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để thu gom và tái sử dụng nước mưa. 
Cần cơ chế khuyến khích
“Nếu là nhà đầu tư tư nhân, không phải đại diện Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM, liệu có dễ thuyết phục họ chi thêm tiền để làm bể thu gom nước mưa? Việc này phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người nhưng vai trò của kiến trúc sư ở đây rất quan trọng”, ông Nguyễn Trường Lưu cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định, nếu việc làm hồ thu gom nước mưa được đưa vào các quy định trong xây dựng thì sẽ hiệu quả hơn. Cùng quan điểm nhưng TS Nguyễn Trung Việt còn cho rằng, để hiệu quả hơn nữa, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích xây bể thu gom nước mưa.
Hiện nay, theo TS Nguyễn Trung Việt, ở nhiều quận huyện vẫn tính tiền sử dụng đất đối với phần hầm ngầm mà doanh nghiệp (DN) xây để thu gom nước mưa, với lý do là DN tận dụng hầm này làm nơi để xe hoặc làm văn phòng vào những lúc không có mưa.
Nếu giải quyết được khúc mắc này, TS Nguyễn Trung Việt cho rằng có thể vận động DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (đặc biệt là các khu ở phía Nam TPHCM - nơi thấp trũng, hướng thoát nước chính của thành phố) khi xây mới nhà xưởng, kết hợp làm hồ thu gom nước mưa. 
Một giải pháp nữa mà theo TS Nguyễn Trung Việt, TPHCM có thể áp dụng để khuyến khích người dân, DN thu gom, tái sử dụng nước mưa, đó là nên có chính sách quản lý chặt việc sử dụng nước sạch. Cần có những giải pháp phù hợp để người dân, DN thấy được lợi ích rõ ràng về kinh tế, về môi trường khi thu gom tái sử dụng nước mưa so với việc sử dụng nước máy.
Nước mưa chảy tràn trên đường cũng nên được thu gom bằng cách hạn chế bê tông hóa để nước có thể thẩm thấu xuống đất. Hiện nay, TPHCM đang đối mặt với tình trạng lún nghiêm trọng và một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này là bổ sung nguồn nước xuống các tầng chưa có nước hoặc bị khai thác cạn kiệt nước.
 TPHCM đã có nhiều nỗ lực đảm bảo cho hầu hết người dân được sử dụng nguồn nước sạch. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện tại và trong tương lai. Thách thức lớn nhất, TPHCM rất khó kiểm soát chất lượng nguồn nước thô, khi 2 con sông cung cấp nguồn nước thô cho thành phố là Đồng Nai và Sài Gòn vẫn đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Bất chấp nhiều nỗ lực kiểm tra, xử phạt, hoạt động sản xuất, sinh hoạt dọc 2 con sông này vẫn đang xả nhiều chất thải chưa qua xử lý xuống sông. 
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô, cụ thể nước biển xâm nhập sâu vào sông, làm cho nước sông nhiễm mặn. Hậu quả, chi phí xử lý cho ra nước sạch tại nhiều nhà máy sản xuất nước đã tăng lên. Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), chi phí xử lý luôn “năm sau cao hơn năm trước”. Đây thực sự là gánh nặng cho đơn vị cấp nước khi vào mùa khô, nước sông xuống thấp, mức độ hòa tan, tự làm sạch các dòng sông yếu đi. “Trong bối cảnh này, việc thu gom nước mưa bằng cách xây bể hay làm hồ điều tiết nước cần được đẩy mạnh bằng các chính sách khuyến khích đầu tư”, TS Nguyễn Trung Việt nhận định.  

Các tin khác