Thị trường nội địa giúp hàng Việt đứng vững trong mùa dịch

(ĐTTCO) - Xác định thị trường nội địa là trụ cột trong công cuộc phục hồi sản xuất, kinh doanh nên thời gian qua không ít doanh nghiệp (DN) đã có những pha “bẻ lái” ngoạn mục để chuyển hướng kinh doanh khi việc xuất khẩu không mấy thuận lợi vì dịch bệnh. 
Hàng Việt được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa
Hàng Việt được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa
Nền tảng vững chắc 
Gần đây, câu chuyện doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh đang diễn ra phổ biến ở nhiều DN. Trong một thống kê được đưa ra bởi Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) cho thấy, có gần 63.500 DN đã rút khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Cùng với làn sóng trên thì lượng hàng tồn kho của các ngành sản xuất cũng tăng mạnh. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương cho biết chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính bình quân khá cao với 78,9%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%...
Trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm, xuất khẩu giảm sút, lượng hàng tồn kho tăng, nhiều DN đã nhanh chóng chuyển hướng từ xuất khẩu vào nội địa và gặt hái thành công. Cụ thể, theo đánh giá của Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, từ đầu năm đến nay, nhiều DN sản xuất trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, sau khi chuyển sang tập trung cho thị phần nội địa, đã duy trì và phát triển khá ổn định. Đơn cử như Công ty CP Sài Gòn Food, hiện vẫn duy trì công suất sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến như hải sản, hải sản đông lạnh, cháo tươi... đạt 30 tấn/ngày. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của công ty tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Giống như DN trên, Công ty CP Phúc Sinh cũng đã có pha “bẻ lái” ngoạn mục. Theo DN này, khi dịch xảy ra rất nhiều khách hàng muốn dừng, hoãn hoặc hủy đơn hàng mua cà phê, tiêu của DN. Ngay sau đó, Phúc Sinh đã cơ cấu lại hoạt động, xác định việc phải chuyển hướng kinh doanh trên nền tảng số hóa để tiếp thị sản phẩm và tăng bán hàng tại nội địa. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, chia sẻ, nhờ kịp thời tái định vị hoạt động kinh doanh, tình hình xuất khẩu cũng như nội địa của công ty vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, kênh bán nội địa tăng trưởng 100% (qua online, cửa hàng và siêu thị) với doanh thu đạt 2-4 tỷ đồng/tháng. 
Hay với Vina T&T Group, bất chấp dịch diễn ra, DN này vẫn mở thêm cửa hàng kinh doanh trái cây thứ 2 tại TPHCM để bán cho người tiêu dùng nội địa. DN này còn bán sản phẩm trên trang bán hàng online, các nền tảng thương mại điện tử và cũng thu được những thành quả khả quan. Dự kiến, trong thời gian tới, Vina T&T Group sẽ mở thêm một số cửa hàng để khai thác thị trường nội địa tốt hơn. 
Tiếp tục là trụ đỡ cho hàng Việt
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, thị trường trong nước đã trở thành một động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng cao, khoảng 9,2%, từ 3.546.000 tỷ đồng năm 2016 lên 4.940.000 tỷ đồng vào năm 2019 và tăng trưởng khá đồng đều giữa các vùng kinh tế (từ 10%-12%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước tăng từ 38 triệu đồng vào năm 2016 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2019. 
Qua đó cho thấy, thị trường trong nước giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, trong đợt dịch lần này, nhiều DN đã đưa ra phương châm là phải chắc chân thị trường nội địa, để từ đó tạo cơ sở mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch. Các DN cũng khẳng định, sau dịch sẽ tiếp tục có những kế hoạch cụ thể, bài bản hơn để hàng Việt vững chân ở nội địa và cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. 
Cùng với sự chủ động của các DN, gần đây Bộ Công thương đã đặt ra nhiều mục tiêu và triển khai nhiều giải pháp để thương mại trong nước tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP. Tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) phấn đấu đạt khoảng 9%-9,5%/năm. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2025 đạt khoảng 35%-40%. 
Để thực hiện các mục tiêu trên, giải pháp được Bộ Công thương đưa ra là: Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường; tăng cường năng lực điều tiết thị trường đối với các mặt hàng trọng yếu; thông qua các công cụ, cơ chế phù hợp để điều tiết, ổn định thị trường.

Các tin khác