Tăng cường ngăn chặn tin giả

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình khá thẳng thắn về giải pháp lọc thông tin xấu, độc; xử lý tiêu cực trong hoạt động báo chí; bảo vệ thông tin cá nhân. 
Áp dụng các công cụ kỹ thuật để chặn, lọc tự động 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển đáng kể, mặc dù bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối, như: vận chuyển hàng lậu hàng cấm qua kênh bưu chính; sim rác; tin nhắn rác, tin giả, tin xấu, độc… “Dù đã đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam mạnh lên chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước”, Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.
Nhận định trong bối cảnh hiện nay, “mỗi người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông, trong đó có nhiều trang mạng xấu độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội”, ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) và nhiều ĐB khác nêu vấn đề “Bộ trưởng chưa đưa ra một giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn những tin xấu, độc. Mới chỉ có giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp lâu dài”.
Tăng cường ngăn chặn tin giả ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại phiên họp
Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội là vấn nạn mang tính toàn cầu. “Tôi nghĩ đầu tiên là hành lang pháp lý. Ở các nước trong ASEAN, việc xử lý tin giả, tin xấu độc rất được chú trọng và mang tính răn đe. Như Singapore, những người tung tin có thể bị phạt đến hàng triệu đô la, thậm chí phải đi tù đến 10 năm.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an. Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả, tin xấu, độc. Một yêu cầu rất quan trọng là tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội. Cũng cần có công cụ tự động để những tin xấu, độc đã được định nghĩa tự động xóa bỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. 
Bày tỏ mong muốn toàn xã hội nâng cao kỹ năng ứng xử trong không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị mỗi người đọc khi phát hiện tin giả, tin xấu, độc cần thể hiện rõ thái độ của mình bằng nút “dislike”. 
Đề cập đến mạng xã hội của riêng Việt Nam trên cơ sở chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) và một số ĐB khác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong số hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có rất ít nước đặt ra vấn đề chỉ sử dụng mạng xã hội riêng.
Các mạng xã hội Việt Nam hiện có tổng cộng khoảng 65 triệu tài khoản sử dụng và nếu tiếp tục đẩy mạnh thì đến năm 2020 cũng đạt 90 triệu tài khoản, tương đương với các mạng xã hội nước ngoài. Cần phải đặt mục tiêu số tài khoản sử dụng mạng trong nước tương đương nước ngoài là để phân tán dữ liệu, đảm bảo cho người sử dụng không bị một mạng nào hoàn toàn chi phối. Không nên đặt ra mục tiêu mạng “nội” thay thế hoàn toàn mạng “ngoại”. 
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định), ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ rất băn khoăn về việc định hình đô thị thông minh sao cho con người phát triển toàn diện, không lệch lạc, sống “ảo” nhiều hơn thực… Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xây dựng đô thị thông minh phải xoay xung quanh con người, chẳng hạn như để cho người dân giao tiếp với chính quyền một cách thuận lợi hơn, nhanh hơn. Người dân cũng được tạo điều kiện để có tiếng nói tham gia vào các vấn đề của đất nước nhiều hơn. Trách nhiệm của Nhà nước, của các bộ, ngành là giải quyết hài hòa mối quan hệ này”.
Kiên quyết sắp xếp lại các cơ quan báo chí
Trả lời ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về việc xử lý một số cơ quan truyền thông “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn nhìn nhận có hiện tượng này, nếu rà soát thủ công thì không khả thi. “Theo quy định hiện hành, tất cả các báo, tạp chí đều phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử và vừa qua Bộ TT-TT đã có một công cụ phân tích, phát hiện chuyện sửa bài, gỡ bài. Công cụ này được cả Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, một số sở TT-TT cũng sử dụng. Những trường hợp gỡ bài có dấu hiệu tiêu cực thì phải làm rõ, xử lý”. 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng không ngần ngại thừa nhận phản ánh của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về việc nhiều bài báo “giật tít, câu view”, lợi dụng tính hiếu kỳ của một bộ phận độc giả, tác động xấu đến xã hội và cho rằng trong “vấn đề nhức nhối” này có trách nhiệm của Bộ TT-TT cũng như cá nhân bộ trưởng khi chưa có giải pháp hữu hiệu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Bây giờ giật tít câu view có liên quan đến tiền, phân biệt rạch ròi cũng không dễ. Thế cho nên trách nhiệm đầu tiên là phóng viên, đạo đức nghề nghiệp của phóng viên. Tiếp theo là tổng biên tập cơ quan báo chí phải tiền kiểm, vì là đại diện ngôn luận cho cơ quan chủ quản”.
Trả lời ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về tình hình triển khai quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Các cơ quan báo chí liên quan đến quy hoạch có tổng cộng 8.000 nhân sự, bằng 20% lực lượng báo chí toàn quốc. Khi làm quy hoạch, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, những người lao động và phóng viên có thể bị ảnh hưởng đến vị trí làm việc có 1.500 người, khoảng trên 4%.
Tuy nhiên, khi làm việc trực tiếp với từng cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch lại thì hiện nay những người thực sự phải sắp xếp công việc chỉ chiếm không tới 1%. Tôi nghĩ trăn trở lớn nhất của Bộ là sắp xếp công việc phù hợp cho đội ngũ này”. Bộ TT-TT quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tức là đến ngày 31-12-2019 phải thực hiện xong bước 1 quy hoạch báo chí.
 Về vấn đề cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải đảm bảo nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; cải cách hành chính là dẫn dắt và ứng dụng công nghệ thông tin  là phương tiện. Theo lộ trình thì cuối tháng 11 này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy thì một số dịch vụ như nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế, đăng ký khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa… sẽ thực hiện được trực tuyến trong tháng 11 này. Tiếp theo, quý 1 năm 2020 sẽ thực hiện cung cấp hàng loạt dịch vụ công khác nữa, trong đó có cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; cấp phiếu lý lịch tư pháp
Bộ trưởng, Chủ nhiệmVăn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Các tin khác