Sức lan tỏa Lễ Độc lập

(ĐTTCO) - Cách đây 72 năm, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Trong buổi lễ Độc lập ấy nhiều nhà báo và học giả nước ngoài đã tham dự và trở thành nhân chứng của sự kiện quan trọng trong lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Học giả William J. Duiker, GS. môn Đông Á học tại Trường Đại học bang Pensylvania (Hoa Kỳ), tác giả cuốn sách tiểu sử nổi tiếng “Hồ Chí Minh: Một cuộc đời", hay GS. Cecil B. Curry, chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự đương đại Hoa Kỳ, Trường Đại học bang Nam Florida, tác giả cuốn sách "Võ Nguyên Giáp", đều đã gặp gỡ Đại tướng và nhiều tướng lĩnh khác để viết về những gì đã diễn ra trong ngày lập quốc trọng đại này.
Và trong nhiều bài viết về ngày Lễ Độc lập 2-9, những gì Archimedes L.A. Patti tường thuật trong quyển hồi ký "Why Vietnam? Prelude to America's Albatross" (Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu chim Hải âu của Hoa Kỳ) là đáng chú ý nhất. Archimedes L.A. Patti (1914-1998) vốn là Thiếu tá tình báo Hoa Kỳ, từng gặp gỡ và làm việc với Bác Hồ trước Cách mạng Tháng Tám, là người điều phối Biệt đội Con Nai (Dear Team) đến Tân Trào để cung cấp vũ khí và hỗ trợ huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh.
Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, ông được phân công dẫn đầu phái bộ tiền trạm của tổ chức Văn phòng Hoạch định chiến lược OSS đến Hà Nội từ ngày 22-8 đến ngày 30-9-1945 để thực hiện nhiệm vụ giải thoát tù binh và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật tại Bắc Đông Dương. 

Tuy ở Việt Nam chỉ trong 38 ngày nhưng Patti đã chứng kiến những sự kiện chính trị mang tính bước ngoặt, khởi đầu cho một cuộc hành trình giành độc lập lâu dài và gian khổ của người Việt Nam. Thời gian này, ông nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham dự và chứng kiến trọn vẹn ngày lễ Độc lập của Việt Nam.
Trong lần trả lời phỏng vấn trên một đài truyền hình Mỹ vào năm 1981, Patti kể lại ông là người Mỹ đầu tiên được Bác cho xem bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập: "... ngày 29-8-1945 ông Hồ yêu cầu tôi đến gặp và ngay lúc ấy ông cho tôi xem bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập sẽ công bố vài ngày sau đó. Tất nhiên, bản văn là tiếng Việt, tôi không thể đọc nó và khi được phiên dịch, tôi khá ngạc nhiên khi nghe những ngôn từ khởi đầu của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945.
Cuốn sách hồi ký "Tại sao Việt Nam?..." của ông xuất bản lần đầu năm 1980 đã chuyển tải ký ức của một thời những người cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng đưa những tư tưởng bản Tuyên ngôn Độc lập của Cách mạng Mỹ mở đầu cho bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, Patti là nhân chứng của nước Mỹ đã tận mắt nhìn thấy, thậm chí đã đóng góp công sức của mình cho một sự kiện lớn lao: đặt viên gạch đầu tiên làm nền cho sự ra đời của một quốc gia bởi sự công bố một tuyên ngôn. Nhiều tư liệu cho thấy, quốc gia ấy dưới sự lãnh đạo anh minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong những ngày tháng ban sơ của mình đã kêu gọi ở nước Mỹ một lời công nhận và gửi gắm cho nước Mỹ những kỳ vọng về công cuộc phát triển vì độc lập và vì khát vọng hòa bình của mình.
Không khó nhận ra rằng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập tự do, người Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Người trong công cuộc giải phóng đó.

Xin trích một số đoạn trong chương 26 mang tên Ngày lễ Độc lập trong quyển"Tại sao Việt Nam?" để độc giả thấy rõ hơn cảm nhận chân thực và sâu sắc của Archimedes L.A. Patti trong khai sinh ra nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc trong kỷ nguyên mới:

"... Trời chớm rạng đông, người Hà Nội, đã đông đảo như những bầy ong, đoàn nối đoàn nhộn nhịp kéo đến quảng trường Ba Đình. Dân chúng các vùng ngoại ô đứng thành nhiều khối. Trong biển người đó, có nhiều người dân sơn dã với trang phục sắc tộc và nông dân áo khăn truyền thống. Xen giữa các khối đó, dễ nhận ra đội ngũ công nhân với sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ trang trọng áo dài trắng hay màu sáng, tay cắp nón.

...Cả nhóm OSS chúng tôi xuôi ngược suốt buổi ngoài phố, chụp ảnh, ghi chép đủ các nhóm người, sự kiện, khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích. Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt: "Việt Nam của người Việt Nam", "Hoan nghênh lực lượng Đồng minh", "Hoan nghênh phái bộ Mỹ", "Thà chết, không nô lệ"… Gần trưa, Knapp, Bernique, Grelecki và tôi đi đến quảng trường Ba Đình... Chúng tôi chọn được một điểm thuận lợi ngay trước lễ đài giữa hàng ngũ viên chức.

... Mặt trời đã khá cao. Không khí oi bức. Thi thoảng có cơn gió làm dậy lên cả biển cờ trên quảng trường. Trên đỉnh cột trước lễ đài, lá cờ đỏ sao vàng lớn bay phấp phới. Bỗng có tiếng còi và các hiệu lệnh phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị quân sự đứng nghiêm khi bắt đầu có người xuất hiện trên lễ đài. Ngay sau tiếng hô "bồng súng, chào", quần chúng tức thì im lặng, các quan chức đứng vào phía sau bao lơn trang trí bằng vải màu trắng và đỏ. Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và đầu trần, riêng một người mảnh mai, mặc áo kaki sẫm. Đó là Hồ Chí Minh.
Bìa cuốn sách Why Vietnam?

...Tiếng loa phóng thanh nổi lên phá tan sự im lặng, “Hồ Chí Minh là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng được hướng dẫn, bắt đầu cất tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang "độc lập". Ông Hồ đứng yên mỉm cười, dáng dấp nhỏ nhắn nhưng tầm vóc vĩ đại trong sự hoan hô nồng nhiệt của người dân. Ông giơ tay ra hiệu mọi người im dần lại và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay trở thành bất hủ với những ngôn từ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ông Hồ đột nhiên dừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng rền vang đáp lại: “Rõ!”. Quả là nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Kể từ đó, quần chúng lắng nghe, như nuốt lấy từng lời". 

Tác giả đã viết: Chúng tôi không hiểu hết ngữ nghĩa bài diễn văn. Phiên dịch Lê Xuân phải cố gắng lắm dù khá khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh, rõ ràng, ấm áp, thân tình, và nghe quần chúng đồng thanh trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa: Lời ông đã thấu đạt tới tận mọi người dân.

Các tin khác