Sau bão Người dân trở về trong tan hoang

 (ĐTTCO) - Sau gần một ngày đêm càn quét dọc miền Trung,  bão số 9 đã tàn phá nặng nề các công trình, nhà cửa, tài sản của người dân. Chưa có cơn bão nào mạnh, tàn phá trên diện rộng như bão số 9 năm nay. 

Dọn dẹp cây ngã đổ trên đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Dọn dẹp cây ngã đổ trên đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: DƯƠNG QUANG
* Hơn 56.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái
 * Miền Trung lại đối mặt với lũ đặc biệt lớn
Đoàn kết trong bão dữ
Bão số 9 được dự báo khá chính xác nên công tác ứng phó được triển khai sớm. Hàng trăm ngàn dân tức tốc được sơ tán đến nơi an toàn trong một thời gian ngắn, trước khi bão ập đến. Trong đêm 27 đến sáng 28-10, các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng dốc sức đến từng nhà để sơ tán dân đến chỗ tránh trú an toàn.
Đến 0 giờ ngày 28-10, bão bắt đầu áp sát đất liền, cả nước hướng về miền Trung với những tin nhắn, cuộc gọi sốt sắng, khẩn cấp. Tại những vùng quê nghèo ven biển Quảng Ngãi, người dân khắp nơi dắt díu nhau co cụm, san sẻ từng nắm cơm, gói mì tôm để qua bữa chạy bão. Trong một ngôi chùa ở thôn Liên Trì Đông (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở cửa đón hàng trăm người dân đến tá túc tránh bão.
Sau bão Người dân trở về trong tan hoang ảnh 1 Nhà dân ở làng biển Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị hư hỏng nặng
Ảnh: NGỌC OAI
Thôn Liên Trì Đông cử ra một tổ đặc biệt để giúp bà con trong bão. Tổ này cơ động trực chiến trong bão vừa để coi sóc nhà cửa, tài sản vừa hỗ trợ đưa những người già, trẻ nhỏ, phụ nữ sinh con đến nơi trú ẩn. “Chúng tôi ứng trực trước gió bão để theo dõi kịp thời xử lý các sự cố trong bão. Đặc biệt, khi có người dân nào mắc kẹt, nhà bị sập chúng tôi sẽ đến ứng cứu”, anh Nguyễn Ngọc Sáu (39 tuổi), thành viên trong tổ cứu bão của làng Liên Trì Đông, chia sẻ. 
Tại Đà Nẵng, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ suốt ngày đêm lo sơ tán dân, nhất là người dân vùng ven biển, công nhân, sinh viên đến trụ sở cơ quan nhà nước, trường học… để tránh bão. Lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng đến từng chiếc thuyền, bè cá để đưa ngư dân vào bờ trú ẩn. Đoàn Thanh niên, lực lượng dân quân đến tận nhà dân để cõng người già, trẻ con, người tàn tật đến nơi trú bão tập trung.
Sau bão Người dân trở về trong tan hoang ảnh 2 Người dân dọn dẹp đất đá sạt lở  ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: NGỌC PHÚC
Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, ông Trần Đình Vui, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), cho biết, từ 3 giờ sáng 28-10, hầm đường bộ Hải Vân đóng cửa để phòng tránh bão số 9. Hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau đậu dài trên QL1A cả chục cây số tại địa bàn huyện Phú Lộc khiến rất nhiều hành khách mắc kẹt nơi đây trong cảnh sinh hoạt thiếu thốn, thiếu ăn do hàng quán không có. Người dân địa phương đội mưa gió cùng nhau nấu và đem cơm, bánh bao, bánh lọc, nước uống và cháo dinh dưỡng, sữa tươi tiếp tế đến từng xe.
Như bãi chiến trường
Bão số 9 quét qua các tỉnh từ Phú Yên đến Đà Nẵng. Cây cổ thụ bị vặn gãy, trốc gốc; những mái tôn bị bão vò nát vắt trên ngọn cây; nhà cửa, hàng quán đổ sập. 
Qua cơn bão dữ, bà Phạm Thị Hạnh (65 tuổi, ở làng biển Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trở về ngồi trước ngôi nhà tan hoang của mình. Bà Hạnh sống neo đơn, nghèo khó, dành dụm và đi vay được 100 triệu để xây ngôi nhà. Nhưng giờ đây ngôi nhà của bà chỉ còn là đống đổ nát. 
Sau bão Người dân trở về trong tan hoang ảnh 3 Người dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ nhau dọn dẹp đống đổ nát để ổn định cuộc sống sau bão. Ảnh: NGỌC OAI
Trong xóm bà Hạnh, hàng loạt nhà khác cũng bị sóng biển, gió bão tàn phá. Ngồi phờ phạc trước ngôi nhà rách tươm, anh Nguyễn Ga Niêm (38 tuổi, xóm 1, làng biển Phước Thiện) buồn bã: “Trước bão, vợ chồng tôi đưa 2 con nhỏ lên gửi bà ngoại rồi chạy về chằng chống nhà cửa cẩn thận mới đi sơ tán. Trở về, nhà bị gió bão, triều cường đánh phá tan nát”. Khuôn mặt khắc khổ vẫn còn vẻ kinh hãi, ông Nguyễn Tấn Triều ở làng biển Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), kể: “Tôi nay đã gần 60 năm rồi mà chưa bao giờ thấy cơn bão nào mạnh đến như thế. Mặc dù đã được thông báo và chằng chống nhà cửa rồi nhưng bão đã thổi bay mất mái tôn”. 
Tại Quảng Nam từ miền biển cho đến miền núi, bão đi qua cây cối, trụ điện gãy đổ khắp nơi. Sóng điện thoại và 4G bị tê liệt. Gió giật mạnh cuốn phăng mái tôn của Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, buộc bệnh viện phải di dời khẩn cấp gần 50 bệnh nhân đến nơi an toàn. 
Tại TP Đà Nẵng, từ khoảng 7 giờ 30 ngày 28-10, trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, trời mưa rất to kèm theo gió giật với cường độ mạnh tăng dần. Hàng loạt mái tôn nhà cửa của dân, quán hàng, bảng hiệu quảng cáo, cây cối, tường rào công trình bằng tôn bị gió quăng quật khắp nơi nhìn tan hoang như bãi chiến trường. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, bão số 9 đã làm lưới điện 110kV bị sự cố 14 đường dây và 10 trạm biến áp. Lưới điện trung áp mất điện 15.700 trạm hiện đã khôi phục được 2.138 trạm. Đến 22 giờ 30 tối qua, vẫn còn 13.560 trạm chưa khôi phục được, gây mất điện trên diện rộng.
Tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk có mưa kèm gió lớn, khiến nhiều căn nhà bị tốc mái, hàng trăm hécta hoa màu bị ảnh hưởng. Gió lớn đã thổi bay một tấm tôn đập vào một người đang đi xe máy khiến người này ngã xuống đường, tử vong.
Tại Kon Tum, mưa bão đã cuốn trôi cầu Đắk Pne (xã Đắk Pne, huyện Kon Rẫy) cô lập 3 thôn với 438 hộ, 1.466 nhân khẩu. Ngoài cầu Đắk Pne thì cầu treo thôn 11, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy cũng bị cuốn trôi. (Mời bạn đọc xem video clip chi tiết về cơn bão số 9 trên SGGP Online: www.sggp.org.vn).

Các tin khác