Quê hương người mở cõi phương Nam

(ĐTTCO) - Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), người có công lớn trong mở cõi phương Nam dưới triều đại nhà Nguyễn, có quê hương trù mật ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đến với mảnh đất này, tận thấy hậu duệ của vị danh tướng lừng lẫy đang phát triển làng mạc trong không khí xây dựng nông thôn mới rất vững chắc nhằm đẩy lùi đói nghèo, phát kế làm giàu.

Tượng thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, cùng bảo kiếm trong đền thờ tại xã Vạn Ninh.
Tượng thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, cùng bảo kiếm trong đền thờ tại xã Vạn Ninh.
Học đại học về nuôi gà làm giàu
Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh, kể: “Là vùng đất bán sơn địa, Vạn Ninh chọn hướng đi riêng ngoài làm ruộng, trồng rừng thì phát triển kinh tế trang trại. Chính trang trại đã giúp quê hương người đi mở cõi phương Nam thoát nghèo, phát triển bộ mặt nông thôn có cuộc sống khá, giúp người dân phát triển nhiều mặt, từ tài chính kinh tế, đến đất đai, tích lũy tài sản, kiến thức và có nhiều hướng đi không chỉ thế hệ cha mẹ mà cả thế hệ con cái”.
Ở Vạn Ninh nhiều người học xong đại học trở về sau một hồi đi làm thuê làm mướn, đã quyết định vay vốn đầu tư chăn nuôi, mở rộng trang trại bài bản. Như trường hợp của anh Trần Thanh Ngọc, học đại học nông lâm ngành thú y. Sau khi đi làm thuê gần 5 năm, Ngọc về quê mở trang trại nuôi gà đẻ ấp nở, nguồn hàng của Ngọc hiện bán ở khắp miền Trung.
Quê hương người mở cõi phương Nam ảnh 1 Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh.
“Ngày bỏ làm về làng, nhiều người bảo em gàn, nhưng em cứ cần mẫn làm, bán được gà, quay vòng vốn xây nhiều chuồng trại. Bây giờ gà con mỗi tháng bán hàng hơn 300 triệu đồng, mỗi năm doanh thu gần 4 tỷ đồng, lo công việc cho nhiều lao động, lương gần 8 triệu đồng/tháng. Ở quê việc làm ổn định vậy là kỳ công. Học được đại học mà về quê làm đúng chuyên môn đâu có lãng phí” - Ngọc bộc bạch.
Nhìn cơ ngơi của Ngọc làm hệ thống chạy mát cho các chuồng gà công nghiệp bài bản, không ai nghĩ nó được xây dựng trên mảnh đất cằn cỗi. Ngọc nói: “Bây giờ đường sá đi lại thuận tiện, ở thôn quê lại có thế mạnh hơn thành thị là đất thuê rẻ, diện tích rộng rất thuận tiện cho làm ăn. Thế nên người học đại học về quê lập nghiệm bằng cách riêng ngày càng nhiều”.

Phát triển theo tinh thần “mở cõi”
Xã Vạn Ninh mấy năm trước khi tham gia xây dựng nông thôn mới, nhiều người nghĩ khó đạt chuẩn. Nhưng bằng cách xây dựng quê hương với tinh thần người đi mở cõi, chiến dịch được mở ra trên nhiều tiêu chí. Kết quả, năm 2018 xã Vạn Ninh thông báo với người dân bản địa cùng con em làm ăn xa quê đã về đích nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Thế cho biết: “Nông thôn mới nặng nề nhất là hệ thống đường liên thôn, địa bàn xã ở địa hình rộng nên ngân sách huy động nhà nước và nhân dân làm phải hài hòa, không xảy ra kiện cáo, dân cùng lo chung tay là niềm khích lệ rất lớn với hậu thế con cháu của người đi mở cõi phương Nam trong thời kỳ mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn”.
Được biết, xã Vạn Ninh hiện đã có hơn 158 trang trại chăn nuôi gà lợn, vịt, bò, ngan ngỗng. Bà con đầu tư bài bản nên thương lái đặt mua ổn định, xuất bán thị trường 63 tỉnh thành. Từ chỗ là nơi bán sơn địa chỉ biết trồng rừng, nay bà con đã làm ăn buôn bán với người dân cả nước, sản lượng của riêng nghề trang trại có tổng doanh thu gần 200 tỷ đồng. Trang trại là hướng đi mới chừng hơn 10 năm của người dân nơi đây, là hướng đi tiên phong với tinh thần mở cõi hơn 300 năm trước, nghĩa là học hỏi những cái mới của nơi khác đưa về phát triển phù hợp nhằm làm giàu, thoát nghèo.
Sau nhiều năm kiên trì với hướng đi ấy, xã Vạn Ninh đã phát triển khá, với mức thu nhập bình quân đầu người hơn 35 triệu đồng/năm, số hộ giàu có ngày mỗi tăng, hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 3%. Nói về hướng phát triển tương lai của quê hương người đi mở cõi phương Nam, ông Thế định hình: “Địa phương đã ra nghị quyết, tiếp tục phát triển mạnh dịch vụ và chăn nuôi chất lượng cao. Chúng tôi đã quy hoạch khu đất rộng cả trăm héc ta để di dời 158 trang trại lớn ra khỏi khu dân cư, nhằm đầu tư đồng bộ, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Những quy định về bảo vệ môi trường theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn”.
Theo tìm hiểu, người dân xã Vạn Ninh rất chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực cho các công ty và trang trại gia đình. Hàng năm vùng đất hiếu học này có gần 40 học sinh vào các trường đại học, nhiều em nhận học bổng ở Mỹ. “Nhiều gia đình có điều kiện đã cho con em đi học nhiều ngành nghề. Nhiều em trong số đó trở về quê hương cùng gia đình phát triển kinh tế gia đình” - ông Thế cho biết.

Thờ bóng tiền nhân
Người Vạn Ninh khi gọi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đều nói một cách cung kính là Đức ngài. Công lao của Đức ngài được sử sách ghi lại rất lớn. Sử sách dòng tộc Nguyễn Hữu vẫn còn truyền lại cho đến ngày nay là khi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh thống suất lưu dân vùng Ngũ Quảng vào miền Nam mở cõi, chỉ 1 năm ông đã tổ chức khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, bảo vệ chủng dân và vùng đất mới, thiết lập cơ sở hành chính thôn, xã quy cũ, lập phủ Gia Định, chính thức cho nhập vào bản đồ Đại Việt, đề xuất chiêu mộ lưu dân và khuyến nông để phát triển phương Nam thịnh vượng vào thời đó. 
Vạn Ninh sinh ra nhiều tướng tài phục vụ nhà Nguyễn, làm rạng danh đất nước, điển hình là gia đình danh gia vọng tộc của bậc khanh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người đi mở cõi phương Nam, đến nay hơn 300 năm vẫn vang danh với hậu thế. Từ Quảng Bình trở vào, khi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh qua đời, địa phương nào cũng lập đền thờ, thậm chí người Campuchia cũng lập đền thờ ông vì tiếng tăm lẫy lừng. Phía triều đình các vua chúa nối ngôi sau này đều có ban sắc phong tước hiệu truy tặng cố công thần Nguyễn Hữu Cảnh. Tên tuổi của vị tướng này đến nay vẫn được nhắc nhớ như người tiên phong đưa nước Việt Nam xuống tận mũi Cà Mau.
Cha của ông là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, sinh trước ông 3 con trai đều là tướng giỏi: Nguyễn Hữu Hào (tước Hào Lương hầu, tác giả truyện nôm Song tinh bất dạ), Nguyễn Hữu Trung (tước Trung Thắng hầu), và Nguyễn Hữu Tín (tước Tín Đức hầu). Trên mảnh đất Vạn Ninh người dân vẫn thờ vượng bóng dáng tiền nhân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, các anh em của ông và người cha của ông với đền đài miếu mạo được phục dựng sau bao bom đạn của chiến tranh. 

Các tin khác