Phía sau trào lưu đặt đồ ăn online

(ĐTTCO) - Sự có mặt của nhiều ứng dụng đặt đồ ăn online tại Việt Nam đang khiến thị trường này trở nên sôi động. Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, người dùng lại càng chuộng dùng những ứng dụng này. Song việc đặt đồ ăn online vẫn tồn tại nhiều vấn đề như chất lượng, cạnh tranh và nhiều nỗi lòng “thầm kín” khác. 

Đổ xô lên ứng dụng mua hàng
Dọc đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp, TPHCM) có rất nhiều quán ăn, quán cà phê, trong đó 2/3 quán ăn này có dán logo của những ứng dụng như Grab, Now, Loship… Thậm chí xe bánh mì trên vỉa hè hay xe thịt nướng xập xệ cũng là đối tác bán hàng trên nhiều ứng dụng đặt đồ ăn online. 
Anh Dũng, chủ một quán ăn cho biết trước đây không biết đến những ứng dụng này, nhưng khi dịch Covid-19 khiến quán vắng khách, anh mày mò trên mạng thấy cách thức đăng ký đơn giản nên đăng ký luôn mấy ứng dụng cho cửa hàng của mình. Thực tế, việc đăng ký trở thành đối tác bán hàng của các ứng dụng hiện nay rất dễ dàng. Chẳng hạn muốn đăng ký trên Grabfood, chủ nhà hàng vào website có địa chỉ www.grab.com điền đầy đủ thông tin như yêu cầu, chờ 3-5 ngày bộ phận hỗ trợ Grab sẽ liên hệ  để hướng dẫn các thủ tục đăng ký. Cách thức này cũng được áp dụng cho nhiều ứng dụng khác. 
Phía sau trào lưu đặt đồ ăn online ảnh 1 Một tủ bánh mì vỉa hè như thế này cũng đưa vào danh sách App để đặt hàng online.
Việc tham gia bán hàng trên các ứng dụng đang trở thành xu hướng của kinh doanh trong hơn 1 năm trở lại đây, đặc biệt là những cửa hàng nhỏ trong các con hẻm. Thử tìm kiếm cụm từ trà sữa trên vài ứng dụng sẽ thấy ngoài những thương hiệu, những cửa hàng nằm trên các con đường lớn, có vô vàn cửa hàng khác có địa chỉ siêu “sẹc”, mà bình thường khách sẽ chẳng ghé đến. Nhưng qua ứng dụng với những hình ảnh bắt mắt, khuyến mại khủng, những cửa hàng siêu nhỏ này lại thu hút được nhiều người. Bởi trên những ứng dụng đặt đồ ăn online người tiêu dùng có thể mua đủ loại mặt hàng, từ những món ăn vặt như bánh tráng trộn, xoài lắc, súp cua, ốc… đến những món chính như mì, bún, phở, cơm, lẩu, cháo và nhiều loại thức uống như trà sữa, cà phê, sinh tố, nước ép…
Ưu điểm của việc tham gia các ứng dụng đặt đồ ăn online là khả năng tiếp cận với nhiều khách hàng không phải mất chi phí quảng bá, tiếp thị, chi phí cho nhân viên đi giao hàng... Ngoài ra với những người muốn bán đồ ăn nhưng không muốn mất chi phí mặt bằng, tham gia ứng dụng đặt đồ ăn online là lựa chọn không thể tốt hơn. Thế nhưng câu chuyện nào cũng có hai mặt. Bên cạnh những ưu điểm cũng có những vấn đề nảy sinh khi đặt món online. Những vấn đề ấy đến cả với người tiêu dùng và cả với những đối tác bán hàng của các ứng dụng. 

Nỗi niềm ăn, bán online
Việc bùng nổ các ứng dụng đặt đồ ăn online không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh cho nhiều người, còn mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, nhất là trong đợt dịch này. Chị Hoa, nhân viên văn phòng tại quận 3, đã trở thành khách hàng quen thuộc của nhiều app như Grab, Now… Ngoài việc đặt đồ ăn ở những cửa hàng quen, để phong phú thực đơn và cũng vì bị hấp dẫn bởi nhiều hình ảnh, khuyến mại khủng, chị Hoa cũng đặt thử ở nhiều quán mới. Thế nhưng không ít lần chị đã thất vọng vì đồ ăn mang đến không như hình ảnh, chất lượng món ăn quá tệ, bỏ thì tiếc. Những khách hàng gặp cảnh tương tự như chị Hoa không ít. 
Thực tế, vấn đề chất lượng món ăn của các cửa hàng bán đồ ăn trên ứng dụng lâu nay gần như bị bỏ ngỏ. Ứng dụng chỉ đóng vai trò trung gian kết nối người bán và người mua, còn chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ cửa hàng mới biết. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội đã có người dùng “bóc phốt” nhiều cửa hàng trà sữa trên các ứng dụng, mạo danh các thương hiệu lớn bán hàng chất lượng kém với giá cao. Nhiều cửa hàng còn bị phát hiện chỉ là những cơ sở chế biến thô sơ trong những con hẻm nhỏ. 
Người mua có nỗi niềm, người bán trên các ứng dụng cũng không hoàn toàn thuận lợi. Để được tham gia bán hàng trên các ứng dụng cửa hàng phải trích hoa hồng 20-30% cho các ứng dụng (tùy ứng dụng và điều kiện trong hợp đồng). Với những cửa hàng nhỏ, cửa hàng trong hẻm chi phí mặt bằng ít, thậm chí không tốn phí mặt bằng, nếu chỉ bán online tại nhà mức này khá hợp lý. Nhưng với nhiều chủ quán thuê mặt bằng ở những con đường lớn, việc trích hoa hồng cao đang đẩy cửa hàng vào cảnh bán nhiều lỗ nhiều, nên nhiều chủ cửa hàng không chọn bán hàng trên các ứng dụng. 
Trò truyện với chủ cửa hàng bún cá trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, anh cho biết dù đợt dịch bán ế nhưng không muốn lên các ứng dụng vì hoa hồng quá cao. Ngoài ra, để cửa hàng của mình có nhiều khách, ngoài việc đầu tư hình ảnh đẹp, còn phải chạy theo các chương trình khuyến mại khủng của các ứng dụng nhằm thu hút khách hàng. Vì thế, nhiều thương hiệu có tiếng cũng không mặn mà với việc tham gia ứng dụng đặt đồ ăn online bởi họ đã có lượng khách hàng ổn định. Chưa kể khi lên ứng dụng những khách hàng của họ lại có cơ hội chọn lựa nhiều thương hiệu khác, tức có nguy cơ  mất khách hàng ruột. Câu chuyện của The Coffe House đã từng được nhắc đến nhiều khi họ không xuất hiện trên các ứng dụng như Grab hay Now, vì không muốn bị phụ thuộc vào các ứng dụng đặt đồ ăn online. 
Có thể thấy dòng chảy công nghệ đang ngày càng len sâu vào kinh doanh cũng như cuộc sống của mỗi người, nhất là khi dịch bệnh đang làm thay đổi thói quen kinh doanh và tiêu dùng. Song nếu không thận trọng, những mặt trái của việc ứng dụng đặt đồ ăn online sẽ tác động tiêu cực lên cả người mua và người bán. 
 Hàng ngàn nhà hàng ở Ấn Độ đã đồng loạt ký tên vào chiến dịch logout để kêu gọi tẩy chay ứng dụng giao đồ ăn Zomato chi phí tham gia cao, mất thêm 20% hoa hồng bán hàng và phải tiếp những vị khách thiếu lịch sự. 

Các tin khác