Nước sạch bốc mùi, dân khốn khó

(ĐTTCO) - Chiều 15-10, UBND TP Hà Nội đã họp báo cho biết, nguồn nước sinh hoạt của người dân Hà Nội tại các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai... có mùi khét nồng nặc trong những ngày qua là do bị ô nhiễm dầu với hàm lượng chất Styren ở mức cao kết hợp với Clo. 
Tuy nhiên, vụ việc này khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ hơn khi Công ty cổ phần Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã rất vô trách nhiệm, chậm trễ trong xử lý khi phát hiện nguồn nước đầu nguồn bị ô nhiễm dầu.
Có váng dầu nhưng… “mặc kệ”
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, vào sáng 10-10, sau khi nhận được tin phản ảnh về nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc và có váng dầu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thành lập ngay một tổ công tác do Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm trưởng đoàn cùng sự tham gia của Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội… tiến hành kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy Nước mặt sông Đà ở Hòa Bình của Viwasupco và tổ chức lấy nhiều mẫu nước để xét nghiệm.
Nước sạch bốc mùi, dân khốn khó ảnh 1 Người dân tại nhiều khu vực ở Hà Nội phải xếp hàng chờ lấy nước từ xe bồn 
vì nước sạch sông Đà nhiễm mùi lạ. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Kết quả kiểm tra đến nay xác định, tại khu vực đầu nguồn ở khe núi địa bàn xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài - là hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy Nước mặt sông Đà.
Đáng chú ý, việc xuất hiện dầu thải đã được một số cán bộ của Viwasupco phát hiện từ sáng 8-10 nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, TP Hà Nội và cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này, dẫn đến váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Không chỉ có vậy ngay cả bản thân Viwasupco cũng rất chậm chễ trong việc xử lý sự việc trên, khi tới ngày 10-10 mới báo cáo các cơ quan chức năng của thành phố.
Mùi lạ do chất Styren và Clo gây ra
Sau khi phát hiện nguồn nước sạch sông Đà có mùi lạ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Hà Nội đã lấy mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu xét nghiệm (ở Nhà máy Nước mặt sông Đà; bể chứa, cấp nước tại khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai; bể chứa của một số tòa nhà chung cư, vòi nước hộ gia đình) đều có hàm lượng chất Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l)  từ 1,3 đến 3,65 lần. Các chỉ tiêu giám sát nước độ A cho kết quả 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát nhưng chỉ tiêu mùi vị là không đạt.
Nước sạch bốc mùi, dân khốn khó ảnh 2 Người dân ở nhiều khu chung cư  của Hà Nội phải xếp hàng lấy nước sạch từ xe bồn.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, kết quả xét nghiệm xác định mùi “khét” có tại nguồn nước các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra kết hợp với mùi nồng nặc của chất Clo (kết quả xét nghiệm Clo có hàm lượng 0,8mg/l - nằm trong giới hạn cho phép). Ông Hạnh cũng cho biết, qua các nghiên cứu và những tài liệu y khoa trên thế giới cho biết dù hàm lượng Styren cao nhưng chưa có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Súc xả toàn hệ thống
Trên cơ sở kết quả kiểm tra trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu Viwasupco tổ chức khắc phục ngay các chất dầu thải ở khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài; thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư… tại các địa bàn người dân sử dụng nước do công ty cung cấp.
Toàn bộ chi phí do Viwasupco chịu trách nhiệm. Viwasupco cũng phải kiểm tra, rà soát lại quy trình quản lý vận hành nhà máy, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước, nếu các thiết bị này không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay…
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với sở y tế, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả của Viwasupco xây dựng phương án vận hành điều tiết bổ sung nguồn nước từ các nguồn tập trung của thành phố đảm bảo cấp nước an toàn như: nguồn nước mặt sông Đuống, Nhà máy Bắc Thăng Long. Đồng thời để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Nội bố trí các xe bồn túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu.
 l UBND TP Hà Nội khuyến cáo trong thời gian trước mắt, khi Viwasupco chưa súc xả được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân chỉ sử dụng nước thuộc khu vực do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.
lTrước rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu và của Viwasupco trong sự việc nghiêm trọng này, Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco, đã vòng vo, né trách nhiệm, cũng như không có bất cứ một lời xin lỗi nào tới người dân.  
lNgày 15-10, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội tại quận Ba Đình (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi và đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải ở khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cũng như hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty cổ phần Nước sạch sông Đà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải nhưng không có hành vi ngăn chặn kịp thời. 

Các tin khác