Nước Đức từ A đến Z

(ĐTTCO) - Tác phẩm “Nước Đức từ A đến Z” (NXB Phụ Nữ) được tác giả Lê Quang lựa chọn giúp độc giả có cách tiếp cận con người Đức, đất nước Đức ở nhiều góc độ khác nhau. 
Nước Đức từ A đến Z
Tác giả chia nội dung theo chủ đề đi liền từ khóa, đánh dấu theo mục từ của bảng chữ cái từ A đến Z giúp độc giả dễ theo dõi và mỗi mục từ còn giúp người đọc có cơ hội học thêm tiếng Đức với cách phát âm kèm theo.
Mỗi chữ cái triển khai một nội dung liên quan đến nét tính cách, văn hóa, ẩm thực đặc trưng của nước Đức từ món ăn nổi tiếng của người Đức như xúc xích, bia, hay chuyện tắm truồng, trai gái, bóng đá... đến những chuyện nước Đức nổi tiếng với rất nhiều thiên tài và phát minh khoa học cũng như tính nguyên tắc đến cứng nhắc của người Đức.
Tất cả những điều đó được tác giả viết súc tích, sâu sắc với giọng văn có chút tưng tửng và không kém phần hóm hỉnh. Kết thúc mỗi mục từ, tác giả còn tặng kèm thêm cho bạn đọc một truyện cười, thứ nhất là đúng như tinh thần tiết kiệm của người Đức - không nên để phí giấy trắng, thứ hai đền bù cho độc giả nếu đọc nội dung mà chưa thấy điều gì thú vị, hay ho.
Nước Đức từ A đến Z sẽ khiến bạn đọc ngạc nhiên vì không giống với những gì chúng ta được biết qua những câu chuyện được lưu truyền trên mạng xã hội như những huyền thoại được viết một cách phóng đại về nước Đức. Ở đó ta được biết thêm nước Đức không chỉ có sự giàu có, hào nhoáng, lịch thiệp mà còn có một nước Đức với vô số những vụ bê bối về an toàn thực phẩm như “thịt thiu thối”, buôn lậu, nạn đối xử phân biệt với những người nhập cư mà tác giả gọi đó là những phó thường dân.
Ở đó ta tìm thêm được lời giải đáp vì sao một đất nước phát triển với chế độ phúc lợi tuyệt vời như ở Đức mà còn rất nhiều người vô gia cư, theo tác giả đó là những người có lòng tự trọng họ thà là người vô gia cư còn hơn ngửa tay nhận tiền trợ cấp của chính phủ.  
Tác giả còn cho chúng ta những thông tin thú vị như 350 trẻ em miền Bắc, em nhỏ nhất mới lên 9 tuổi, từ Việt Nam sang Cộng hòa dân chủ Đức học tập từ năm 1955 theo thỏa thuận của Đông Đức và Việt Nam hay tác giả đã từng gặp một trong những người đưa công nghệ sản xuất bia của Đức về Việt Nam, là một trong 3 người đồng sáng lập xúc xích Đức Việt nhưng sau đó nhanh chóng nhượng lại thương hiệu do không chịu nổi ngày nào cũng nhìn thấy... lợn chết. 
Tác giả chia sẻ quan điểm 2 vị danh nhân người Áo và người Mỹ: Hofmannsthal tiểu thuyết gia người Áo cho rằng: “Người Đức nghiêm túc, họ chăm chỉ, không dân tộc nào khác trên thế giới làm việc được như họ, họ đạt những điều không tưởng - nhưng sống cùng họ thì chẳng hay ho gì đâu”. Trong khi đó, Noam Chomsky, một triết gia người Mỹ kiệt xuất: “Tôi không yêu đất nước, tôi cho rằng người ta nên yêu con người chứ không nên yêu đất nước Đức”.
Dịch giả Lê Quang đã sống và làm việc ở Đức gần 30 năm với công việc của một kiến trúc sư và ông đã trở thành một công dân mang quốc tịch Đức. Từng ấy năm ở Đức, ông đã được tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp trong xã hội từ những người vô gia cư, người vi phạm pháp luật, đến giới thượng lưu, các chính trị gia.
Ông cũng đã sống trải cả 2 thời kỳ từ khi nước Đức bị chia cắt tới nước Đức thống nhất, từng tận mắt chứng kiến khoảnh khắc bức tường Berlin sụp đổ trong hòa bình, đủ để thấy những trải nghiệm của ông về nước Đức không hề hời hợt.

Các tin khác